Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về vấn đề rút đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh là quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp văn bản có giá trị pháp lý cao nhất của nước Cộng hoà xã hôị chủ nghĩa Việt Nam.
Thực chất, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đều là môt trong những loại đơn khá phổ biến hiện nay. Việc xử lý giải quyết các loại đơn này cũng gặp nhiều khó khăn do các quy định của pháp luật điều chỉnh các vẫn cònbất cập, hạn chế điển hình như quy định về việc rút đơn của người dân.
Hiện nay, đơn phát sinh khá nhiều một phần cũng do người dân ngày một am hiểu các quy định của pháp luật nên trực tiếp thực hiện quyền công dân bằng cách làm đơn thể hiện tâm tư, tình cảm, bức xúc gửi đến các cấp chính quyền. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một câu nói rất nổi tiếng:
“Đồng bào có oan ức mới khiếu nại hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt, quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn” (Trích lời huấn thị của Bác tại Hội nghị Cán bộ Thanh tra toàn miền Bắc ngày 05/3/1960).
Người nói: “đồng bào có oan ức mới khiếu nại”. Ở đây, có thể cơ quan nhà nước làm chưa tốt dẫn đến phát sinh khiếu nại, “hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại”. Ở vế này, có thể hiểu rằng do chưa nắm được rõ các quy định của Đảng và Nhà nước một cách rõ ràng, sâu sắc nên dẫn đến khiếu nại mặc dù cơ quan nhà nước có thể đã làm tốt và đầy đủ. Cho nên, đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của người dân bằng cách tư vấn, hướng dẫn, giải thích cho đến giải quyết vụ việc một cách thấu tình đạt lý. Dù công việc khiếu nại hay tố cáo, kiến nghị, phản ánh là công việc phức tạp nhưng phải luôn luôn có một thái độ đúng đắn trong khi tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của ngườidân. Bảo vệ quyền lợi của người dân chính là thể hiện tốt bản chất nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Qua thưc tiễn, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân cho thấy có những vụ việc sau khi nghe tư vấn, hướng dẫn, giải thích của cán bộ tiếp công dân, hoặc thông quađối thoại, làm việc trực tiếp giữa người dân với cán bộ, công chức đươc giao tham mưu, người có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Người dân đã chủ động rút đơn chấm dứt khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tuy nhiên, khi áp dụng quy định của pháp luật về rút đơn hiện nay còn nhiều vướng mắc, bất cập do quy định của pháp luật chưa hoàn thiện.
Theo quy định tại Điều 10 Luật Khiếu nại 2011 về rút đơn khiếu nại:
“Người khiếu nại có thể rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại; việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; đơn xin rút khiếu nại phải gửi đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi nhận được đơn xin rút khiếu nại thì đình chỉ việc giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc đình chỉ giải quyết khiếu nại”.
Theo quy định này, thì khi người khiếu nại rút đơn người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ đình chỉ chấm dứt việc giải quyết khiếu nại ở bất cứ giai đoạn nào của “quá trình khiếu nại” và quá trình “giải quyết khiếu nại”. Như vậy, có thể hiểu đây là hai giai đoạn khác nhau, “quá trình khiếu nại” là chưa ban hành thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại. Còn “quá trình giải quyết khiếu nại” là đã ban hành thông báo thụ lý khiếu nại và đang trong quy trình giải quyết. Nếu căn cứ áp dụng Điều 10 Luật Khiếu nại 2011 thì kể cả chưa ban hành thông báo thụ lý cũng ra quyết định đình chỉ khi người khiếu nại rút đơn. Thông thường, quyết định đình chỉ chỉ áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc và không áp dụng khi chưa vào quy trình. Nên quy định này hiện nay là điểm bất hợp lý trong giải quyết khiếu nại. Dẫn đến cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết ở nhiều địa phương không biết có nên áp dụng quyết định đình chỉ ở giai đoạn đầu khi chưa ban hành thông báo thụ lý hay không. Hay thay vì quyết định đình chỉ sẽ ra vă bản thông báo chấm dứt việc giải quyết? Đây cũng là vấn đề đòi hỏi các nhà làm luật cần có những thay đổi kịp thời để đáp ứng được yêu cầu thực tiền đặt ra khi người dân rút đơn.
Đối với quy định về rút đơn trong tố cáo hiện nay được quy định tại Điều 33 Luật Tố cáo 2018 như sau:
“Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản”.
Và theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 34 về tạm định chỉ, đình chỉ giải quyết tố cáo. Thì khi người tố cáo rút đơn sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết tố cáo. Cũng tương tự quy định trong rút khiếu nại của Luật Khiếu nại 2011. Luật Tố cáo 2018 cũng chưa tách bạch rõ ràng thời điểm rút của người dân ở hai thời điểm khác nhau. Trước khi ban hành thông báo thụ lý sẽ ban hành loại văn bản nào nào để thể hiện cơ quan có thẩm quyền chấm dứt việc giải quyết. Hay cả hai giai đoạn đều ra quyết định đình chỉ giải quyết như nhau khi người dân rút đơn. Mặc dù Luật Tố cáo 2018 ra đời sau nhưng quy định về vấn đề rút đơn cũng đang có điểm bất hợp lý gây khó khăn cho địa phương trong quá trình xử lý.
Đối vơi kiến nghị, phản ánh, đây cũng là một loại đơn khá phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có bất cứ một văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh về kiến nghị, phản ánh dẫn đến khi người dân rút đơn nhiều cán bộ tiếp nhận, xử lý đơn cũng loay hoay, khó xứ lý. Thông thường, nếu có đơn kiến nghị, phản ánh các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ xử lý theo quy trình hành chính đơn giản. Vì vậy, nếu người dân rút đơn kiến nghị, phản ánh thì cán bộ tiếp nhận xử lý đơn cần hướng dẫn làm biên bản ghi nhận thông tin, đơn xin rút kiến nghị, phản ánh để người dân được thực hiện quyền rút đơn của mình. Suy cho cùng, thì nội dung đơn kiến nghị, phản ánh là tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi của người dân. Khi họ thấy vấn đề đã được giải quyết, nhận thức đúng thì cơ quan có thẩm quyền cũng nên tạo điều kiện cho người dân rút đơn dù hiện nay chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về kiến nghị, phản ánh.
Như vây, qua các tình huống cụ thể trên đây, trong thời gian tới cần hoàn thiện quy định của pháp luật về Khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh. Quy định rõ việc xử lý đối với những trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh rút đơn ở những giai đoạn khác nhau./.
Thảo Ly – Khoa Nghiệp vụ 1
(Nguồn: https://truongcanbothanhtra.gov.vn/mot-so-kien-nghi-nham-hoan-thien-phap-luat-ve-van-de-rut-don-khieu-nai-to-cao-kien-nghi-phan-anh/)