Hoàn thiện pháp luật tổ chức hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp huyện
Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp huyện là chức năng quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, hiệu quả công tác này tác động trực tiếp đến hiệu quả quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo, đồng thời, góp phần quan trọng vào sự ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế tổ chức hoạt động này của cấp huyện thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, một trong những nguyên nhân của tình hình khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm tại nhiều địa phương thời gian qua được chỉ ra là cơ sở pháp lý cho hoạt đông này còn hạn chế, bất cập. Bài viết phân tích một số hạn chế chính của quy định pháp luật về tổ chức hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp huyện.
1. Pháp luật về tổ chức hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
- Pháp luật tiếp công dân quy định về tổ chức và hoạt động tiếp công dân còn có những bất cập, thiếu sót, cụ thể như: Quy định về tên gọi, mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của các cơ quan tiếp công dân từ Trung ương đến địa phương còn thiếu thống nhất. Luật Tiếp công dân không quy định về mối quan hệ giữa Ban tiếp công dân Trung ương với Ban tiếp công dân cấp tỉnh, Ban tiếp công dân cấp tỉnh với Ban tiếp công dân cấp huyện. Điều đó dẫn đến những khó khăn, vướng mắc giữa các cơ quan này trong việc hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn, xây dựng báo cáo, nắm bắt thông tin, đôn đốc, kiểm tra trong hoạt động tiếp công dân.
Đối với Ban tiếp công dân cấp huyện: Luật Tiếp công dân quy định Ban tiếp công dân cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập, trực thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Theo đó, Ban tiếp công dân cấp huyện chỉ có Trưởng ban và công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, Trưởng Ban tiếp công dân cấp huyện do một Phó chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân phụ trách. Với quy định này, Ban tiếp công dân cấp huyện chỉ có một Trưởng ban mà không có Phó trưởng ban, nên trong thực tiễn công tác tiếp công dân còn gặp những khó khăn vướng mắc. Bên cạnh đó, nhiệm vụ, quyền hạn của người phụ trách Trụ sở tiếp công dân, người làm công tác tiếp công dân chưa được quy định đầy đủ và rõ ràng. Phạm vi trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức thường trực tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng, của Trụ sở tiếp công dân các cấp chưa rõ ràng. Mối quan hệ giữa Trụ sở tiếp công dân ở Trung ương với cơ quan thường trực tiếp dân ở địa phương và mối quan hệ giữa Trụ sở tiếp công dân với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chưa đầy đủ. Tiêu chuẩn, chế độ chính sách đối với cán bộ tiếp công dân chưa phù hợp; trình tự, thủ tục tiếp công dân, công tác quản lý về tiếp công dân chưa được quy định đầy đủ và cụ thể.
Trên thực tế, vì chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn tuyển chọn công chức làm công tác tiếp công dân nên một số địa phương, đơn vị khi bố trí công chức làm công tác tiếp công dân đã phân công cán bộ, công chức không có năng lực, trình độ phù hợp; không có quy định về số lượng công chức làm việc tại các Ban Tiếp công dân; chưa có quy định cụ thể về cách thức phối hợp tiếp công dân giữa các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân; mô hình tổ chức cơ quan tiếp công dân chưa có sự thống nhất từ trung ương đến địa phương; giữa các cơ quan tiếp công dân chưa có sự ràng buộc, gắn kết nên sự phối hợp giữa các cơ quan này không chặt chẽ.
Về tổ chức hoạt động tiếp công dân, Luật Thanh tra năm 2022 có sửa đổi quan trọng khi quy định chức năng giúp Ủy ban nhân dân huyện quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân cấp huyện. Theo quy định tại Điều 30, Luật Thanh tra năm 2022, cơ quan thanh tra cấp huyện chính thức thực hiện chức năng giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về tiếp công dân, thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân. Trên thực tế, hiện nay, thanh tra huyện vẫn thực hiện nhiệm vụ này nhưng là nhiệm vụ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu và giao, không phải nhiệm vụ do luật định. Theo quy định của pháp luật tiếp công dân, nhiệm vụ này của Ban tiếp công dân ở cấp huyện thuộc văn phòng Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Việc thể chế hóa nhiệm vụ này của thanh tra huyện, trong Luật Thanh tra năm 2022 đã khẳng định vai trò quan trọng của thanh tra huyện trong lĩnh vực tiếp công dân tại địa phương. Đồng thời, với việc quy định chính thức là một chức năng, nhiệm vụ trong Luật thì cơ quan thanh tra sẽ phải thực hiện nhiều công việc hơn vốn trước đây là nhiệm vụ của Ban tiếp công dân. Chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư theo lý thuyết khi chuyển về là nhiệm vụ của cơ quan thanh tra tiếp công dân sẽ đảm bảo hơn bởi đội ngũ cán bộ thanh tra có chuyên môn, nghiệp vụ và được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Mặc dù Luật Thanh tra năm 2022 không làm phát sinh thêm chức năng, nhiệm vụ trên thực tế của thanh tra huyện nhưng quy định này đặt ra vấn đề là thực hiện Luật này, việc tổ chức hoạt động tiếp công dân ở cấp huyện sẽ thực hiện như thế nào? Ban tiếp công dân hiện tại được tổ chức và hoạt động theo Luật Tiếp công dân và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nên sẽ không đương nhiên bị thay đổi bởi quy định của Luật Thanh tra năm 2022. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước về tiếp công dân, thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân trên thực tế của Ban tiếp công dân cấp huyện và cơ quan thanh tra huyện vẫn cần Chủ tịch Ủy ban nhân dân phân công, giao nhiệm vụ. Như vậy, quy định này của Luật Thanh tra năm 2022 chỉ là chính thức hóa một nhiệm vụ vốn được Thanh tra huyện thực hiện trên thực tế chứ dường như chưa thể giải quyết được vấn đề căn cơ là hiệu quả công tác tiếp công dân tại địa phương. Bởi lẽ, Ban tiếp công dân hay cơ quan thanh tra thực tế chỉ phân loại, xử lý đơn và chuyển đến các cơ quan chuyên môn cấp huyện để giải quyết. Cơ quan thanh tra chủ yếu tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước giải quyết mà không trực tiếp giải quyết. Vấn đề căn cơ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân là để tiếp nhận, xử lý đơn nhanh chóng cho công dân, giải quyết đúng thẩm quyền, dứt điểm triệt để vấn đề của người dân thì sẽ không giải quyết được bằng quy định này của Luật Thanh tra năm 2022.
- Pháp luật về khiếu nại, tố cáo:
+ Quy định về thẩm giải quyết tố cáo của Thanh tra huyện và Chánh Thanh tra huyện. Theo quy định, Thanh tra huyện có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo... tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo [1]. Theo đó, có thể hiểu, Thanh tra huyện không chỉ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo, mà còn được trực tiếp có quyền “giải quyết khiếu nại, tố cáo”. Do đó, để thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo thì Thanh tra huyện cần được thừa nhận quyền trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo, không đơn thuần chỉ là chủ thể tham mưu, giúp việc cho Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo [2]. Bên cạnh đó, khi Luật quy định cho Thanh tra huyện có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo vì việc thực hiện thẩm quyền đó trước tiên thuộc về Chánh thanh tra huyện với tư cách người đứng đầu cơ quan Thanh tra huyện.
Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: “Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp " [3]. Với tư cách thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chánh thanh tra huyện có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Như vậy, quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Chánh thanh tra huyện được quy định thống nhất giữa Luật Thanh tra năm 2022 với Luật Khiếu nại năm 2011. Tuy nhiên, với thẩm quyền giải quyết tố cáo, Luật Tố cáo năm 2018 lại không có quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo cho Chánh thanh tra huyện.
Theo quy định của pháp luật về thanh tra, thẩm quyền ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra ở cấp huyện sẽ thuộc về Chánh thanh tra huyện. Vấn đề khó khăn nảy sinh là khi tiến hành thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, các thành viên khác của Đoàn thanh tra có thể ban hành các quyết định hay thực hiện các hành vi mà bị đối tượng thanh tra khiếu nại, tố cáo thì Chánh thanh tra huyện lại không có thẩm quyền giải quyết bởi Luật không quy định. Việc giải quyết tố cáo sẽ chuyển sang cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện mặc dù Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện không là người ra quyết định thanh tra và cũng không thành lập Đoàn thanh tra.
+ Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành chưa quy định cơ chế xử lý những vi phạm trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các hành vi vi phạm trong hoạt động này diễn ra khá nhiều nhưng hầu như không bị xử lý. Mặc dù pháp luật đã có quy định về các hình thức kỷ luật khi vi phạm các quy định pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhưng các quy định còn rất chung chung, thiếu cụ nên các quy định đó chưa có hiệu quả thực thị trong thực tiễn.
2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp của Luật Khiếu nại, Tố cáo và Tiếp công dân với các đạo luật quản lý nhà nước để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật liên quan đến tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để nâng cao hiệu quả hoạt động này là yêu cầu từ thực tiễn đặt ra. Quá trình đó, theo chúng tôi cần lưu ý một số vấn đề sau:
Một là, hoàn thiện pháp luật tiếp công dân theo hướng:
- Quy định mô hình thống nhất cơ quan tiếp công dân từ Trung ương đến địa phương. Quy định cụ thể mối quan hệ giữa Ban tiếp công dân các cấp trong việc hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn, xây dựng báo cáo, nắm bắt thông tin, đôn đốc, kiểm tra... Qua đó đảm bảo cho công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân các cấp ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Với mô hình cơ quan tiếp công dân các cấp:
+ Trường hợp Ban Tiếp công dân trực thuộc Thanh tra các cấp: Ban Tiếp công dân cấp tỉnh quay trở lại trực thuộc cơ quan thanh tra cấp tỉnh.
+ Trường hợp Ban Tiếp công dân trực thuộc Văn phòng Uỷ ban nhân dân các cấp: Ban Tiếp công dân Trung ương chuyển sang trực thuộc Văn phòng Chính phủ, Ban tiếp công dân huyện quay trở lại thuộc Uỷ ban nhân dân huyện.
+ Trường hợp Ban Tiếp công dân trở thành cơ quan thuộc ngành dọc độc lập, trực thuộc Thanh tra Chính phủ: Ban Tiếp công dân Trung ương tương đương Tổng cục, Ban Tiếp công dân cấp tỉnh tương đương Cục, và Ban Tiếp công dân cấp huyện sẽ tương đương Chi cục.
- Quy định rõ số lượng công chức cho Ban tiếp công dân các cấp đảm bảo sự ổn định và nhân lực đủ để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này ở cấp chính quyền địa phương. Bên cạnh đó cần chuẩn hóa quy định tiêu chuẩn tuyển dụng, bố trí, phân công cán bộ công chức làm công tác tiếp công dân. Quy định cụ thể về năng lực, trình độ của cán bộ tiếp công dân: Việc chọn và bố trí cán bộ tiếp công dân phải đạt yêu cầu về năng lực, trình độ và kỹ năng; cần ban hành trình tự, thủ tục giải quyết cho từng loại đơn: khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; quy định cụ thể cán bộ tiếp công dân hoạt động theo chế độ chuyên trách (tránh cán bộ tiếp công dân ở cấp xã, cấp quận, huyện còn kiêm nhiệm).
- Nghiên cứu, sửa đổi khoản 3, Điều 12, Điều 13 Luật Tiếp công dân: Thực tiễn cho thấy quy định về việc “Văn phòng Huyện ủy, Ủy ban kiểm tra Huyện ủy cử đại diện phối hợp cùng Ban tiếp công dân cấp huyện thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện” tại khoản 3, Điều 13 Luật Tiếp công dân không có tính khả thi trên thực tiễn. Việc quy định các cơ quan đảng cơ quan dân cử cử đại diện phối hợp cùng Ban tiếp công dân cấp thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân chỉ phù hợp ở cấp Trung ương và một phần ở cấp tỉnh. Trong thời gian tới cần nghiên cứu, sửa đổi khoản 3, Điều 12, Điều 13 Luật Tiếp công dân.
- Quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự theo dõi, đôn đốc việc xử lý, giải quyết các vụ việc chuyển đến cơ quan thuộc thẩm quyền giải quyết: Quy định rõ thẩm quyền, trình tự theo dõi, đôn đốc việc xử lý, giải quyết các vụ việc do các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; quy định rõ cơ chế phối hợp giữa thanh tra với Ban tiếp công dân trong việc thanh tra trách nhiệm về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân; quy định rõ thẩm quyền xử lý trong quá trình theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyềt [4].
- Hoàn thiện pháp luật tiếp công dân đồng bộ, thống nhất với các quy định khác liên quan: Pháp luật tiếp công dân cần quy định đồng bộ với các văn bản pháp luật về đất đai và các văn bản khác liên quan; quy định phù hợp với thực tế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quy định thời hạn áp dụng (hiện nay các văn bản thay đổi thường xuyên); Quy định cụ thể về “quyền” đi đôi với “nghĩa vụ” của người khiếu nại, tố cáo.
Hai là, hoàn thiện quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo:
Quy định cụ thể về trách nhiệm của các phòng, ban chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện trong tổ chức hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cấp huyện. Theo đó, những đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước nào sẽ do phòng, ban chuyên môn cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành tiếp nhận, xử lý và giải quyết. Khi nhận được đơn không thuộc thẩm quyền, phòng, ban chuyên môn sẽ giải thích, hướng dẫn cụ thể để người dân (hoặc trực tiếp chuyển đơn) đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Quy định trách nhiệm của cơ quan thanh tra huyện trong việc nhận đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân hoặc đơn chưa rõ thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị, cá nhân nào.
Nghiên cứu bỏ quy định giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp xã; các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện giải quyết. Bởi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp xã không mấy hiệu quả do sự am hiểu pháp luật, trình độ chuyên môn của cán bộ cấp xã còn rất hạn chế; việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại còn khá chủ quan, hiệu quả chưa cao.
TS. Phạm Thị Huệ
Trưởng phòng, Viện CL&KHTT
(Nguồn: http://www.issi.gov.vn/News/NewsEventDetail.aspx?7020)