Thông tin chi tiết
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người nước ngoài tại Việt Nam

 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thì xu hướng người nước ngoài vào làm việc và sinh sống ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Người nước ngoài sẽ ngày càng gia tăng về số lượng cũng như có nhiều quyền đi cùng nghĩa vụ, can dự vào hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật như công dân Việt Nam.

1. Một số vấn đề tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thì xu hướng người nước ngoài vào làm việc và sinh sống ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới [1]. Người nước ngoài sẽ ngày càng gia tăng về số lượng cũng như có nhiều quyền đi cùng nghĩa vụ, can dự vào hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật như công dân Việt Nam.

Khiếu nại và tố cáo là phương thức góp phần thực hiện quyền của cá nhân một cách đầy đủ và hiệu quả. Thông qua khiếu nại và tố cáo, những hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật mới được bộc lộ rõ nét nhất và chỉ thông qua khiếu nại, tố cáo, quyền và lợi ích hợp pháp của “mọi người” trong đó có người nước ngoài, mới được bảo đảm đầy đủ, toàn diện. Hiến pháp năm 2013 đã tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ khi mở rộng chủ thể quyền khiếu nại, tố cáo. Điều 30 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Quy định này mở ra cho người nước ngoài quyền được bảo đảm tốt hơn quyền lợi hợp pháp của mình khi sống và làm việc tại Việt Nam. Theo đó, khi có căn cứ cho rằng mình bị xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp, người nước ngoài có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và “cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo”.

Tuy Hiến pháp ghi nhận là vậy, nhưng thực tế pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo thiếu vắng những quy định cụ thể, rõ ràng về việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người nước ngoài, nếu có cũng chỉ dừng lại ở việc quy định mang tính nguyên tắc. Chẳng hạn, trong pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo chủ thể của quyền khiếu nại còn chưa thống nhất trong Luật Khiếu nại năm 2011. Theo khoản 1, 2 Điều 2 của Luật Khiếu nại năm 2011 thì người nước ngoài và người không quốc tịch sống trên lãnh thổ Việt Nam không được có quyền khiếu nại. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, Điều 3 của Luật Khiếu nại năm 2011 thì “Khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam và việc giải quyết khiếu nại được áp dụng theo quy định của Luật này, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác”. Như vậy cá nhân nước ngoài vẫn có quyền khiếu nại và vẫn thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Khiếu nại năm 2011.

Luật Tố cáo năm 2018 có một điểm rất tiến bộ so với Luật Tố cáo năm 2011 là nếu trước đây quy định “công dân có quyền tố cáo” thì hiện nay việc tố cáo được thực hiện bởi “cá nhân” để phù hợp với quy định tại Điều 30, Hiến pháp 2013 “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo”, thể hiện tinh thần chung trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong điều kiện hội nhập quốc tế bao gồm cả người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc tố cáo của người nước ngoài lại chưa được nhận thức và hướng dẫn một cách rõ ràng trong Luật cũng như Nghị định. Liên quan đến người nước ngoài, Nghị định số 31/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/4/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo mới chỉ tính đến là một tiêu chí để xác định đó là vụ việc tố cáo phức tạp để gia hạn giải quyết tố cáo: “Tố cáo có yếu tố nước ngoài: người tố cáo ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài; hành vi bị tố cáo xảy ra ở nước ngoài; nội dung tố cáo phải xác minh ở nước ngoài” (Điều 3, Khoản 2, điểm d). Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, vậy nếu người tố cáo là người nước ngoài thì đơn phải được viết bằng tiếng Việt hay ngôn ngữ mà họ mang quốc tịch? Nếu muốn trình bày trực tiếp mà họ không biết hoặc không thành thạo tiếng Việt thì phải xử lí như nào? Có chấp nhận phiên dịch hay người của cơ quan tiếp nhận tố cáo phải tự xử lý? Tương tự, trong toàn bộ quá trình giải quyết tố cáo đối với người tố cáo là người nước ngoài thì vai trò của thông dịch viên đều chưa được quy định. Tất cả những vấn đề này hiện chưa có quy định và được hướng dẫn ở bất cứ văn bản nào.

Về thực tiễn, các vụ việc khiếu nại, tố cáo của người nước ngoài trong những năm gần đây ngày càng trở nên phổ biến, diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ dân sự đến kinh tế, đầu tư, kinh doanh, thuế, sở hữu trí tuệ v.v... Có những vụ việc khiếu nại, tố cáo đơn giản có thể giải quyết ngay nhưng cũng đã xuất hiện nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của đất nước Việt Nam thậm chí có vụ việc đã gây ra những hậu quả pháp lí nặng nề do không được giải quyết.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, đảm bảo quyền của người nước ngoài trong đó có thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo không chỉ giúp Việt Nam hội nhập quốc tế thành công về mặt kinh tế mà còn cả về các mặt chính trị, văn hoá, xã hội. Về ngắn hạn, việc bảo đảm quyền của người nước ngoài bao gồm quyền khiếu nại, quyền tố cáo chính là để giúp Việt Nam tránh được những hành xử không phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế - điều mà có thể gây ra những phức tạp về mặt ngoại giao và làm xấu hình ảnh của đất nước trong cộng đồng quốc tế. Về lợi ích lâu dài, việc bảo đảm quyền của người nước ngoài cũng chính là bảo đảm quyền của hàng triệu công dân Việt Nam đang ở nước ngoài, do nguyên tắc nền tảng trong lĩnh vực này là quan hệ có đi có lại giữa các quốc gia.

2. Các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người nước ngoài qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo

 - Tăng cường việc tiếp nhận thông tin về phản ánh, kiến nghị của người nước ngoài nhằm kịp thời giải đáp, giải quyết trước khi chuyển thành các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Thành lập đầu mối tiếp nhận khiếu nại, tố cáo (bao gồm cả kiến nghị, phản ánh) của người nước ngoài: Công bố, phổ biến công khai dưới hình thức đường dây nóng (Hotline), Email, Trang thông tin điện tử… với các ngôn ngữ phổ biến của cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam như tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Nga… Người nước ngoài qua các kênh này có thể kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo bằng chính ngôn ngữ của mình. Bộ phận đầu mối tiếp nhận sẽ tổng hợp, nghiên cứu và hướng dẫn người nước ngoài nhằm rà soát, sàng lọc, phân loại thông tin trước khi hướng dẫn người nước ngoài thực hiện đúng theo quy trình của từng hình thức. Bộ phận đầu mối này chỉ cần khoảng 10 nhân sự, thông thạo những ngôn ngữ phổ biến nhất (Anh, Hàn, Trung, Nhật, Nga…) và được đào tạo, tập huấn về kĩ năng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, đơn khiếu nại, tố cáo thường xuyên trực để tiếp nhận thông tin. Đầu mối chuyên trách này hướng đến việc nắm bắt thông tin, hướng dẫn ban đầu để kịp thời hướng dẫn người nước ngoài thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình đúng pháp luật.

- Chú trọng việc tổng hợp, theo dõi, kiểm tra và giám sát các vụ việc khiếu nại, tố cáo của người nước ngoài tại các bộ, ngành và địa phương. Cần tách số liệu các vụ việc khiếu nại, tố cáo của người nước ngoài trong số liệu báo cáo định kỳ của các bộ, ngành, địa phương về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo để kịp thời tổng hợp, phân tích, theo dõi, kiểm tra và giám sát nhằm đảm bảo các vụ việc được giải quyết đúng quy định của pháp luật, tránh để các vụ việc trở thành phức tạp, khó giải quyết, dẫn tới những hậu quả pháp lý đáng tiếc.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đại diện cho người nước ngoài như hiệp hội, đại sứ quán

Bất cứ một cộng đồng người nước ngoài nào cũng đều có ít nhất một tổ chức đại diện cho mình hoặc từ phía chính phủ (Các cơ quan đại diện ngoại giao) hoặc từ phía dân sự như các tổ chức, hiệp hội (chẳng hạn với cộng đồng người Hàn Quốc có Hội người Hàn Quốc tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam…[2]. Các tổ chức này không chỉ là nơi kết nối cộng đồng của từng quốc gia mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức của mình. Chính vì lẽ đó, các tổ chức đại diện cho người nước ngoài thường có thể là đầu mối tổng hợp, theo dõi, nắm bắt thông tin về mọi hoạt động của công dân quốc gia mình trong đó có việc khiếu nại, tố cáo với chính quyền sở tại Việt Nam.

Cùng với quan điểm thúc đẩy các phương thức giải quyết khiếu nại, tố cáo phi chính thức đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo của người nước ngoài thì việc phát huy vai trò của của các tổ chức đại diện cho người nước ngoài cũng cần phải được chú trọng. Đó là việc các cơ quan nhà nước Việt Nam, đặc biệt là các cơ quan có vai trò đối ngoại, ngoại giao nên thường xuyên có các buổi tiếp xúc, làm việc, trao đổi thông tin định kì nhằm kịp thời nắm bắt các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người nước ngoài. Việc này có tác dụng hiệu quả trong quá trình tiếp nhận, thụ lý và giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Các kiến nghị, phản ánh được xử lý kịp thời sẽ không phát sinh thành vụ việc khiếu nại, tố cáo. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo cũng sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng, hiệu quả, hợp lí mà không mất nhiều thời gian, nguồn lực của các cơ quan nhà nước Việt Nam.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho người nước ngoài về pháp luật khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

- Phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc tuyên truyền tới cộng đồng người nước ngoài biết về những quyền của mình trong thực hiện khiếu nại, tố cáo, về những quy định chung của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm nâng cao nhận thức của người nước ngoài;

- Tổ chức biên dịch các Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành ra các ngôn ngữ phổ biến và có nhiều người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam như tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Anh và đăng tải rộng rãi trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các website của tổ chức, hội, nhóm của người nước ngoài;

- Tổ chức các buổi semina, hội thảo chuyên đề về pháp luật khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo (dưới hình thức trực tiếp hoặc online) để tuyên truyền, phổ biến tới các cộng đồng người nước ngoài trong đó đặc biệt lưu ý đến cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp nước ngoài;

- Biên soạn, phát hành cẩm nang bằng tiếng nước ngoài về các thủ tục, trình tự thực hiện việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo với những lưu ý cụ thể dành cho người nước ngoài. Cẩm nang này nên biên dịch cụ thể các mẫu biểu dùng trong khiếu nại, tố cáo để người nước ngoài có thể sử dụng ngay khi cần.

 

[1]Xem:http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=221087#:~:text=Theo%20t%E1%BB%95ng%20h%E1%BB%A3p%20c%E1%BB%A7a%20C%E1%BB%A5c

,l%C3%A3nh%20th%E1%BB%95%20tr%C3%AAn%20th%E1%BA%BF%20gi%E1%BB%9Bi.

[2] Xem: http://mattran.org.vn/tin-tuc/chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-gap-mat-chu-tich-hoi-nguoi-han-quoc-tai-viet-nam-

va-mot-so-tap-doan-lon-han-quoc-38673.html

 

ThS. Vũ Đức Hoan

Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra

 

(Nguồn: http://www.issi.gov.vn/News/NewsE





Các tin khác

Hỗ trợ trực tuyến
 ĐT : 0222 3875002
Fax : 0222 3874300
bantiepcongdanbacninh@gmail.com
Trao đổi - Góp ý
Liên kết