Thông tin chi tiết
Một số hạn chế, bất cập và kiến nghị hoàn thiện Luật Tiếp công dân năm 2013

 

 

(ThanhtraVietNam) - Tiếp công dân là một công tác quan trọng được thể hiện trong Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, Luật Tiếp công dân năm 2013 và những văn bản hướng dẫn thi hành.

Thông qua hoạt động tiếp công dân, các cơ quan, tổ chức tiếp nhận được các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cũng như những phản hồi, góp ý của Nhân dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật trong thực tiễn cuộc sống.

Qua đó, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết thực hiện trách nhiệm, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân; đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ các quy định không phù hợp, chưa hiệu quả trong thực tiễn.

Quang cảnh một cuộc đối thoại với công dân của Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, tháng 7/2024. Ảnh: quangnam.gov.vn

Ngoài ra, thông qua hoạt động tiếp công dân, các cơ quan, tổ chức có quyền kiến nghị các biện pháp xử lý những người, tổ chức có hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ.

Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân năm 2013 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định như:

Thứ nhất, về trách nhiệm của người tiếp công dân

Tại Điều 8 Luật Tiếp công dân quy định về trách nhiệm của người tiếp công dân như: Có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày; Giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết; Trực tiếp xử lý hoặc phân loại, chuyển đơn, trình người có thẩm quyền xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho công dân;…

Như vậy, người tiếp công dân là người được giao nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên chỉ tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phán ánh, không có thẩm quyền giải quyết bởi thẩm quyền giải quyết thuộc về thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Từ đó dẫn đến hiệu quả tiếp công dân có lúc còn hạn chế, nhiều trường hợp công dân bức xúc, đề nghị gặp thủ trưởng, cơ quan đơn vị là những người giải quyết trong khi công chức đang thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên.

Vì vậy, Luật Tiếp công dân nên phân định cụ thể về thẩm quyền tiếp công dân thường xuyên của công chức tiếp công dân và thẩm quyền tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Thứ hai, về nghĩa vụ của công dân khi đến nơi tiếp công dân

Khi đến nơi tiếp công dân, công dân cần nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có). Tuy nhiên, việc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp chỉ phù hợp với người khiếu nại, kiến nghị, phản ánh.

Đối với trường hợp người tố cáo, Luật Tố cáo năm 2018 không quy định việc ủy quyền của người tố cáo cho người khác. Do vậy, Luật Tiếp công dân cần quy định cụ thể công dân xuất trình giấy tờ ủy quyền (nếu có) đối với các trường hợp khiếu nại, kiến nghị, phản ánh theo quy định.

Bên cạnh đó, thực tế trong quá trình tiếp công dân có tình trạng khi cán bộ tiếp công dân yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ tùy thân, công dân không hợp tác vì cho rằng Luật Tiếp công dân chỉ quy định công dân nêu rõ họ và tên hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân chứ không bắt buộc công dân phải xuất trình giấy tờ tùy thân.

Vì vậy, Luật Tiếp công dân cần quy định cụ thể về việc công dân phải xuất trình giấy tờ tùy thân khi đến nơi tiếp công dân. Đây cũng là một kênh thông tin để công chức tiếp công dân kiểm tra được các thông tin về nhân thân của công dân trong đơn có trùng khớp với thông tin nhân thân như giấy tờ tùy thân không. Đó là cơ sở pháp lý để công chức tiếp công dân thực hiện quyền trong quá trình tiếp công dân.

Thứ ba, về việc công dân tự ý ghi âm, ghi hình, đưa hình ảnh tại nơi tiếp công dân lên mạng xã hội

Hiện nay, trong nhiều cuộc tiếp công dân, người đến khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh đến nơi tiếp công dân tự ý ghi âm, ghi hình, đưa hình ảnh tại nơi tiếp công dân lên mạng xã hội.

Mặc dù, tại Điều 7 Luật Tiếp công dân năm 2013 đã quy định cơ bản đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh khi đến nơi tiếp công dân. Tuy nhiên không quy định cụ thể về việc người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh khi đến nơi tiếp công dân có được ghi âm, ghi hình, đưa hình ảnh tại nơi tiếp công dân lên mạng xã hội hay không mà mới chỉ quy định tại khoản 8 Điều 6 Luật Tiếp công dân quy định nghiêm cấm vi phạm các quy định khác trong nội quy, quy chế tiếp công dân.

Chính vì vậy, hiện nay, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã đưa nội dung cấm công dân ghi âm, ghi hình tại nơi tiếp công dân trong nội quy tiếp công dân dẫn đến nhiều trường hợp công dân khi bị xử lý đã phản ứng vì cho rằng Luật Tiếp công dân không cấm công dân ghi âm, ghi hình nhưng nội quy tiếp công dân của cơ quan, đơn vị quy định cấm công dân ghi âm, ghi hình là chưa phù hợp.

Do đó cần phải có quy định cụ thể trong Luật Tiếp công dân về việc công dân không tự ý ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, đưa hình ảnh tại nơi tiếp công dân lên mạng xã hội mà phải theo sự điều hành của cán bộ tiếp công dân. Qua đó đảm bảo quyền giám sát của công dân đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, cũng như đảm bảo hoạt động tiếp công dân phải được công khai, dân chủ, đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, tránh việc lợi dụng việc ghi âm, ghi hình, đưa hình ảnh tại nơi tiếp công dân lên mạng xã hội để làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức cũng như công chức được phân công làm nhiệm vụ tiếp công dân. Việc quy định cụ thể nội dung này cũng là căn cứ xử lý đối với những người lợi dụng quyền tự do, dân chủ để thực hiện những hành vi xấu, gây rối trật tự công cộng.

Thứ tư, về thời hạn giải quyết đối với đơn kiến nghị, phản ánh

Hiện nay, tại Điều 28 Luật Tiếp công dân quy định thời hạn thông báo kết quả xử lý đơn như đơn đã được thụ lý hoặc không thụ lý đối với đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Bên cạnh đó, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo quy định cụ thể về thời hạn giải quyết đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được thụ lý.

Tuy nhiên, thời hạn giải quyết đối với đơn kiến nghị, phản ánh Luật Tiếp công dân cũng như văn bản quy phạm pháp luật khác chưa quy định cụ thể. Vì vậy, để quy định rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh.

Luật Tiếp công dân cần phải quy định thời hạn giải quyết kiến nghị, phản ánh cụ thể, qua đó đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người kiến nghị, phản ánh. Đồng thời đó cũng là cơ sở để xử lý trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết kiến nghị, phản ánh khi vi phạm thời hạn giải quyết.

Thứ năm, về năng lực, trình độ của cán bộ tiếp công dân

Hiện nay, Luật Tiếp công dân, nghị định hướng dẫn thi hành quy định cụ thể trách người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất, có trách nhiệm làm công tác tiếp công dân theo yêu cầu thực tế.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay công chức tiếp công dân phần nhiều còn kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tiếp công dân. Do đó, Luật Tiếp công dân cần quy định cụ thể về việc bố trí cán bộ tiếp công dân phải phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tiếp công dân để đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong công tác tiếp công dân.

Thứ sáu, về chế độ bồi dưỡng cho công chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại cơ quan, đơn vị

Để khuyến khích, động viên kịp thời đối với công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại cơ quan, đơn vị, Luật tiếp công dân cần quy định cụ thể về việc tăng chế độ bồi dưỡng cho công chức, qua đó nâng cao chất lượng cuộc tiếp dân thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

Thứ bảy, quy định cụ thể về trách nhiệm người đứng đầu trong tiếp công dân định kỳ

Tại khoản 5 Điều 12 và khoản 5 Điều 13 Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp dân định kỳ ít nhất 01 ngày/1 tháng, Chủ tịch UBND cấp huyện tiếp dân định kỳ ít nhất 02 ngày/1 tháng. Tuy nhiên, do tính chất công việc nhiều, có việc đột xuất, bất khả kháng nên phải ủy quyền cho cấp phó để tiếp công dân nhưng Luật Tiếp công dân năm 2013 lại không quy định về việc ủy quyền.

Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả công tác tiếp công dân, đảm bảo quyền, lợi ích cho công dân khi thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, Luật Tiếp công dân cần có quy định cụ thể về các trường hợp được ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân định kỳ.

 

ThS. Phạm Thị Hường
Giảng viên Trường Cán bộ Thanh tra

 

 

(Nguồn: https://thanhtravietnam.vn/thuc-tien-va-chinh-sach/tiep-cong-dan-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-cua-bo-nganh-dia-phuong/mot-so-han-che-bat-cap-va-kien-nghi-hoan-thien-luat-tiep-cong-dan-nam-2013-209725.html)

 





Các tin khác

Hỗ trợ trực tuyến
 ĐT : 0222 3875002
Fax : 0222 3874300
bantiepcongdanbacninh@gmail.com
Trao đổi - Góp ý
Liên kết