Các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Công an nhân dân
Khiếu nại và tố cáo là các quyền cơ bản của công dân được quy định tại Điều 30 Hiến pháp năm 2013, giúp công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời cũng giúp cơ quan chức năng phát hiện những sơ hở, thiếu sót của mình trong công tác quản lý nhà nước. Để Luật hóa các quyền này của công dân, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố cáo năm 2011 (được thay thế bởi Luật Tố cáo năm 2018).
Do tính chất đặc thù của ngành Công an, Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để quy định công tác tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Công an nhân dân, như: Nghị định số 22/2019/NĐ-CP ngày 25/02/2019 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân; Thông tư số 85/2020/TT-BCA ngày 03/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân; Thông tư số 129/2020/TT-BCA ngày 08/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân; Thông tư số 23/2022/TT-BCA ngày 16/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân…
Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên là cơ sở pháp lý để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Sau đây là một số điểm công dân cần biết khi thực hiện quyền khiếu nại và tố cáo đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân:
* Về tố cáo:
- Hình thức tố cáo: Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền; trường hợp phản ánh hành vi tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ Công an qua phương tiện thông tin đại chúng, đường dây điện thoại nóng hoặc qua cổng thông tin điện tử thì xử lý theo quy định của Chính phủ và Bộ Công an về công tác phòng, chống tham nhũng (Điều 9 Thông tư số 85/2020/TT-BCA).
- Thẩm quyền giải quyết tố cáo: Được quy định tại Điều 8 Thông tư số 85/2020/TT-BCA, cụ thể như sau:
+ Trưởng Công an cấp xã giải quyết tố cáo đối với cán bộ, chiến sĩ Công an thuộc quyền quản lý trực tiếp, trừ Phó Trưởng Công an cấp xã;
+ Trưởng Công an cấp huyện giải quyết tố cáo đối với Trưởng Công an cấp xã, Phó Trưởng Công an cấp xã và cán bộ, chiến sĩ từ Đội trưởng trở xuống, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Trưởng Công an cấp xã; giải quyết tố cáo đơn vị Công an cấp xã, đội thuộc quyền quản lý trực tiếp;
+ Trưởng phòng, Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết tố cáo đối với cán bộ, chiến sĩ từ Đội trưởng và tương đương trở xuống; giải quyết tố cáo đơn vị cấp đội hoặc tương đương cấp đội thuộc quyền quản lý trực tiếp;
+ Giám đốc Công an cấp tỉnh giải quyết tố cáo đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng thuộc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện, Phó Trưởng Công an cấp huyện; giải quyết tố cáo đơn vị Công an cấp huyện, cấp phòng và đơn vị tương đương do Công an cấp tỉnh quản lý trực tiếp...
Trường hợp người bị tố cáo là cán bộ Công an xã, thị trấn không thuộc biên chế lực lượng Công an nhân dân thì thực hiện theo quy định tại Điều 12 Luật Tố cáo. Khi xét thấy cần thiết, Bộ trưởng Bộ Công an thụ lý, giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp dưới có nội dung tố cáo phức tạp, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành Công an.
- Thời hạn giải quyết tố cáo: Không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày; người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (Điều 8 Nghị định số 22/2019/NĐ-CP).
* Về khiếu nại:
- Hình thức khiếu nại: Việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp (Điều 8 Luật Khiếu nại năm 2011).
- Thẩm quyền giải quyết khiếu nại: Được quy định tại Điều 4 Thông tư số 23/2022/TT-BCA, cụ thể như sau:
+ Trưởng Công an cấp xã giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình và của cán bộ, chiến sĩ Công an do mình quản lý trực tiếp.
+ Trưởng Công an cấp huyện giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình và của cán bộ, chiến sĩ Công an do mình quản lý trực tiếp, trừ khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Trưởng Công an cấp xã; khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà Trưởng Công an cấp xã đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn theo quy định nhưng chưa được giải quyết.
+ Trưởng phòng và Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng thuộc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình và của cán bộ, chiến sĩ Công an do mình quản lý trực tiếp.
+ Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình và của cán bộ, chiến sĩ Công an do mình quản lý trực tiếp, trừ khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết Trưởng Công an cấp xã và Trưởng phòng và Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng thuộc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết...
- Thời hạn giải quyết khiếu nại:
+ Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu: Không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết (Điều 28 Luật Khiếu nại năm 2011).
+ Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai: Không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý (Điều 37 Luật Khiếu nại năm 2011).
Qua đó cho thấy công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và trong Công an nhân dân nói riêng luôn được cơ quan có thẩm quyền quan tâm, chú trọng, vì công tác này có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức; bảo vệ trật tự, kỹ cương pháp luật. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng giúp kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình liên quan đến thực thi công vụ, việc chấp hành quy trình công tác, phẩm chất, đạo đức của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân được người dân phản ánh, từ đó khắc phục, chấn chỉnh, xử lý kịp thời, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh, chính quy, hiện đại.
Công an TP Cần Thơ
(Nguồn: https://www.pbgdpl.cantho.gov.vn/cac-quy-dinh-cua-phap-luat-ve-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-trong-cong-an-nhan-dan)