Thông tin chi tiết
Về thụ lý, không thụ lý giải quyết tố cáo hành chính

 

 

Thụ lý giải quyết tố cáo hành chính là việc cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước bắt đầu thực hiện giải quyết nội dung đơn tố cáo của công dân sau khi kiểm tra tính hợp lệ của đơn tố cáo, cũng như các yêu cầu mà pháp luật quy định. Thụ lý tố cáo có ý nghĩa pháp lý quan trọng, vì nó không những làm phát sinh quyền và trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, quyền và trách nhiệm của người tố cáo, người bị tố cáo, và các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan, mà còn góp phần giải quyết và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm đã, đang xảy ra, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức; hạn chế tình trạng công dân gửi đơn vượt cấp, trùng lặp.

1. Quy định về thụ lý, không thụ lý giải quyết tố cáo hành chính

Theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018, người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo khi có đủ các điều kiện: (1) Tố cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật Tố cáo[1]; (2) Người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật; (3) Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo; (4) Nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật.

Trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng người khiếu nại không đồng ý mà chuyển sang tố cáo người đã giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật[2].

Đối với tố cáo tiếp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo giải quyết lại vụ việc tố cáo khi có một trong các căn căn cứ sau:(1) Kết quả xác minh hoặc kết luận nội dung tố cáo thiếu chính xác hoặc thiếu khách quan; (2) Bỏ sót, bỏ lọt thông tin, tài liệu, chứng cứ quan trọng trong khi xác minh hoặc kết luận nội dung tố cáo; (3) Áp dụng không đúng pháp luật trong quá trình xác minh hoặc kết luận nội dung tố cáo[3].

Như vậy, theo quy định nêu trên có ba trường hợp cá nhân thực hiện quyền tố cáo. Một là, khi cá nhân phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, hoặc hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (sau đây tạm gọi là tố cáo lần đầu để phân biệt với tố cáo tiếp); Hai là, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại (tố cáo xuất phát từ việc giải quyết khiếu nại không đạt mục đích mà người khiếu nại mong muốn); Ba là, tố cáo tiếp. Đối với mỗi trường hợp, pháp luật có quy định điều kiện thụ lý cụ thể.

2. Một số khó khăn, bất cập trong thực tiễn

Từ quy định nêu trên về thụ lý giải quyết tố cáo hành chính, thực tiễn phát sinh một số vấn đề cần trao đổi và làm rõ. Một là, khi nào thì nội dung đơn tố cáo của công dân không được cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi là người có thẩm quyền) thụ lý tố cáo hay nói cách khác khi nào thì người có thẩm quyền từ chối thụ lý tố cáo (lần đầu), từ chối thụ lý giải quyết lại vụ việc tố cáo (tố cáo tiếp)?; Hai là, hiểu như thế nào về khái niệm “nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật”. Ba là, công dân có quyền tố cáo tiếp khi người có thẩm quyền từ chối thụ lý giải quyết tố cáo (lần đầu), từ chối thụ lý giải quyết lại vụ việc tố cáo?

- Trường hợp không thụ lý giải quyết tố cáo: Nếu như Luật Tố cáo năm 2011 quy định các trường hợp người có thẩm quyền không thụ lý giải quyết tố  [4], thì Luật Tố cáo năm 2018 lại quy định các điều kiện để người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo (như đã nêu trên). Luật Tố cáo năm 2018 không có quy định những trường hợp không thụ lý giải quyết tố cáo. Để từ chối thụ lý giải quyết tố cáo, người có thẩm quyền phải suy luận ngược lại đối với những điều kiện thụ lý tố cáo.

Trên thực tế, người có thẩm quyền khi không thụ lý tố cáo đều suy luận ngược lại đối với các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 29 Luật Tố cáo năm 2018. Việc suy luận ngược lại các điều kiện thụ lý để không thụ lý tố cáo được chấp nhận trong điều kiện không có quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp chưa thực sự hợp lý.

Ví dụ 1, đơn tố cáo đáp ứng đầy đủ theo quy định tại các Điểm b, c, d Khoản 1, Điều 29 nhưng không đáp ứng điểm a, Khoản 1, Điều này thì người có thẩm quyền thực hiện việc lưu đơn hay ra văn bản không thụ lý giải quyết tố cáo? Vì theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh có quy định “đơn tố cáo ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; cách thức liên hệ với người tố cáo và các thông tin khác có liên quan” mới được coi là đơn đủ điều kiện xử lý, trường hợp không đáp ứng được yêu cầu này là đơn không đủ điều kiện xử lý. Thông thường, đơn không đủ điều xử lý, người xử lý đơn sẽ thực hiện việc lưu đơn (không xử lý); còn đơn không đủ điều kiện thụ lý trong trường hợp này thì người xử lý đơn sẽ tham mưu, đề xuất người có thẩm quyền ban hành thông báo không thụ lý. Nhưng, không xử lý đơn tố cáo và không thụ lý giải quyết tố cáo là hai việc không giống nhau[5].

Ví dụ 2, đơn tố cáo đáp ứng đầy đủ theo quy định tại các Điểm a, b, d Khoản 1 Luật Tố cáo năm 2018, nhưng không đáp ứng Điểm c Khoản 1 điều này (đơn không thuộc thẩm quyền) thì người có thẩm quyền ra thông báo không thụ lý tố cáo hay chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2, Điều 24 Luật Tố cáo[6], khoản 1, Điều 14 Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021?.

- Có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật: Trong 04 điều kiện để người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo thì điều kiện thứ 4 “nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật” thường được người có thẩm quyền áp dụng suy diễn ngược lại để không thụ lý tố cáo. Tuy nhiên, hiểu như thế nào là “nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật” để thụ lý tố cáo; và “nội dung tố cáo không có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật”để từ chối thụ lý tố cáo?. Hiện tại, chưa có văn bản nào giải thích, hay hướng dẫn cụ thể nên nó được hiểu, áp dụng khác nhau.

Khi không thụ lý tố cáo, người có thẩm quyền thường viện dẫn những lý do khác nhau. Ví dụ như không liên hệ được với người tố cáo (mời nhiều lần không đến); người tố cáo không hợp tác giải quyết (không ký biên bản…); người tố cáo không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để xác định hành vi vi phạm của người bị tố cáo, hoặc không cung cấp chứng cứ bản gốc, hoặc không cung cấp được chứng tứ, tài liệu mới; nội dung công dân tố cáo không có cơ sở; …từ đó áp dụng điều kiện “nội dung tố cáo không có cơ sở để xác định vi phạm, hành vi phạm”. Sở dĩ có việc viện dẫn lý do để không thụ lý tố cáo như đã nêu trên là do: Một là, có sự nhầm lẫn giữa “không có cơ sở để xác định hành người vi phạm, vi phạm” với việc “tố cáo không có sở sở”. Không có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật có thể được hiểu là theo nội dung công dân tố cáo, người có thẩm quyền giải quyết tố không có điều kiện, hoặc không thể xác định được người vi phạm, hành vi vi phạm (chẳng hạn như vụ việc xảy ra đã lâu, không còn chứng cứ, tài liệu có liên quan hoặc không có sự kiện, vụ việc xảy ra như trong nội dung tố cáo…). Tố cáo không có cơ sở là việc người tố cáo sau khi thụ lý, tiến hành thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu và làm việc với người tố cáo và những người có liên quan nhưng không có cơ sở để kết luận được người bị tố cáo có vi phạm pháp luật. Như vậy, tố cáo không có cơ sở là kết luận nội dung tố cáo chứ không phải là điều kiện để không thụ lý tố cáo. Hai là, không phân biệt rõ tố cáo lần đầu và tố cáo tiếp. Căn cứ để thụ lý hay không thụ lý giải quyết tố cáo (lần đầu) và thụ lý hay không thụ lý giải quyết lại tố cáo là khác nhau. Như đã nói ở trên, căn cứ để ban hành thụ giải quyết lý tố cáo (lần đầu) là khoản 1, Điều 29 Luật Tố cáo năm 2018, không thụ lý là suy luận ngược lại khoản 1 Điều này; còn căn cứ để thụ lý giải quyết lại tố cáo là khoản 3, Điều 37 Luật Tố cáo năm 2018, không thụ lý là suy luận ngược lại khoản 3 Điều này. Ba là, người có thẩm quyền không thực hiện đúng quy trình giải quyết tố cáo. Thực tế cho thấy, trong một số vụ việc tố cáo, cơ quan, cá nhân được người có thẩm quyền giao xác minh thông tin ban đầu về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo theo quy định tại khoản 1, Điều 9 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo để đề xuất người có thẩm quyền thụ lý (hoặc không thụ lý) đã thực hiện việc thẩm tra, xác minh và kết luận nội dung tố cáo (làm việc với người tố cáo, người bị tố cáo, kết luận công dân tố cáo không có cơ sở) trước, sau đó mới quay lại đề xuất người có thẩm quyền không thụ lý tố cáo[7].

 Đối với tố cáo tiếp, từ việc suy luận các điều kiện để tố cáo tiếp được người có thẩm quyền thụ lý giải quyết lại vụ việc tố cáo thì trong trường hợp tố cáo tiếp không được thụ lý giải quyết lại, người có thẩm quyền phải kết luận, hoặc khẳng định việc giải quyết tố cáo trước là đúng, không có một trong các vi phạm được quy định tại khoản 3, Điều 37 Luật Tố cáo. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy có những trường hợp, người có thẩm quyền từ chối thụ lý giải quyết lại vụ việc tố cáo nhưng không kết luận việc giải quyết của người giải quyết trước đó là đúng hoặc không có vi phạm khoản 3, Điều 37 thay vào đó đưa ra lý do khác, ví dụ như người tố cáo không cung cấp được tài liệu, chứng cứ mới, hay vụ việc/nội dung tố cáo đã được giải quyết và trả lời theo quy định…

- Quyền tố cáo tiếp của người tố cáo khi cơ quan có thẩm quyền từ chối thụ lý giải quyết tố cáo: Theo quy định của pháp luật tố cáo hiện hành, tố cáo hành chính có thể được giải quyết ở nhiều cấp khác nhau. Nếu công dân có căn cứ cho rằng người giải quyết tố cáo không đúng thì có thể tố cáo tiếp lên người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp. Nhưng đối với trường hợp người có thẩm quyền không thụ lý tố cáo thì người tố cáo có quyền tố cáo tiếp hay không. Pháp luật tố cáo hiện hành chưa quy định rõ về vấn đề này. Có hai quan điểm khác nhau.

+ Quan điểm thứ nhất cho rằng, người tố cáo không có quyền tố cáo tiếp khi cơ quan có thẩm quyền từ chối thụ lý giải quyết tố cáo, vì “Thông báo không thụ lý tố cáo” không phải là văn bản giải quyết. Pháp luật tố cáo hiện hành chỉ quy định người tố cáo có quyền tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng quy định của pháp luật[8], chứ không có quy định người tố cáo có quyền tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc từ chối thụ lý giải quyết tố cáo của người có thẩm quyền là không đúng quy định.

+ Quan điểm thứ hai cho rằng, người tố cáo có quyền tố cáo tiếp khi cơ quan có thẩm quyền không thụ lý giải quyết tố cáo; và người có thẩm quyền cấp trên trực tiếp phải có trách nhiệm xem xét đối với việc người có thẩm quyền cấp dưới trực tiếp của mình từ chối thụ lý tố cáo, vì thụ lý tố cáo là công đoạn đầu của quá trình giải quyết. Việc người có thẩm quyền từ chối thụ lý tố cáo cũng có thể là đúng, hoặc không đúng với quy định pháp luật tố cáo.

Thực tế cho thấy, phần lớn các đơn tố cáo khi bị từ chối thụ lý giải quyết tố cáo, công dân tiếp tục gửi đơn tố cáo tiếp. Và người có thẩm quyền vẫn giao cho cơ quan thanh tra kiểm tra việc từ chối thụ lý, để tham mưu, đề xuất cho người có thẩm quyền xử lý theo quy định (thụ lý hay không thụ lý). Trong một số trường hợp, người có thẩm quyền sau khi tiếp công dân, tiếp nhận nội dung cáo tiếp khi bị từ chối thụ lý giải quyết đã trực tiếp chỉ đạo hoặc theo đề xuất của cơ quan thanh tra chỉ đạo người có thẩm quyền đã từ chối thụ lý giải quyết tố cáo phải thụ lý giải quyết nội dung tố cáo đó theo quy định.

Tương tự như vậy, khi người có thẩm quyền từ chối thụ lý giải quyết lại vụ việc tố cáo, thì người tố cáo vẫn có quyền tố cáo tiếp nếu có những căn cứ cho rằng việc từ chối thụ lý giải quyết lại vụ việc tố cáo của người có thẩm quyền là không đúng.

3. Một số kiến nghị, đề xuất

Thụ lý tố cáo là công đoạn đầu tiên của quy trình giải quyết tố cáo. Nếu việc từ chối thụ lý tố cáo không đúng sẽ dẫn đến vụ việc tố cáo không được giải quyết, hành vi sai phạm sẽ không bị xử lý. Điều này sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào sự công minh của pháp luật, người tố cáo có nguy cơ bị trả thù, trù dập. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nhiều đơn tố cáo của công dân xuất phát từ lợi ích cá nhân hơn là vì mục đích chung cộng đồng (xuất phát từ việc giải quyết đơn khiếu nại, kiến nghị, đề nghị trước đó không đạt kết quả như mong muốn, động cơ nhỏ nhặt cá nhân…); nhiều đơn tố cáo chung chung, không cung cấp được những tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn. Nếu người có thẩm quyền thụ lý giải quyết tố cáo, sau đó mới làm việc với người tố cáo để yêu cầu người tố cáo cung cấp chứng cứ, tài liệu[9]; và trong quá trình thẩm tra, xác minh cũng không kết luận được hành vi vi phạm, từ đó kết luận công dân tố cáo không có cơ sở hay tố cáo sai thì sẽ làm mất rất nhiều thời gian, công sức cho cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ giải quyết. Nhưng nếu người có thẩm quyền từ chối thụ lý giải quyết tố cáo sẽ gặp khó khăn do cách hiểu và vận dụng điều kiện thụ lý và không thụ lý mà pháp luật quy định. Một số trường hợp người có thẩm quyền viện dẫn lý do từ chối thụ lý giải quyết tố cáo thiếu căn cứ (như mời nhưng công dân không đến, công dân không cung cấp được chứng cứ tài liệu chứng minh, công dân không ký văn bản, công dân tố cáo không có cơ sở…).

Để việc từ chối thụ lý giải quyết tố cáo được thực hiện thống nhất và theo đúng quy định, trong thời gian tới pháp luật cần có những bổ sung, sửa đổi:

Bổ sung khái niệm “nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật” hoặc “nội dung tố cáo không có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật” vào Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018, hoặc bổ sung vào Điều 4 Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh; Bổ sung quy định “Từ chối thụ lý tố cáo không đúng với quy định của pháp luật” vào khoản 3 Điều 37 Luật Tố cáo quy định đối với các trường hợp phải giải quyết lại vụ việc tố cáo.

Sửa đổi quy định đơn không đủ điều kiện thụ lý và các trường hợp không thụ lý giải quyết lại vụ việc tố cáo vào Luật Tố cáo hoặc Thông tư số 05/2021/TT-TTCP.

Để thuận lợi và thống nhất trong việc ban hành các văn bản sử dụng trong quá trình giải quyết tố cáo, cần bổ sung biểu mẫu “Thông báo việc không thụ lý tố cáo”, mẫu “Thông báo thụ lý giải quyết lại vụ việc việc tố cáo, và mẫu “Thông báo không thụ lý giải quyết lại vụ việc tố cáo”; Bổ sung biểu mẫu “Báo cáo kết quả xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo” áp dụng trong trường hợp người giải quyết tố cáo giao cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo quy định tại khoản 1, Điều 9 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ; và mẫu “Báo cáo xem xét hồ sơ giải quyết vụ việc tố cáo"  của người đã giải quyết tố cáo trước đó trong trường hợp người giải quyết tố cáo giao cơ quan Thanh tra xem xét việc giải quyết tố cáo mà người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp dưới trực tiếp của cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp đã giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 32 Luật Tố cáo năm 2018.

Và để có căn cứ cho người tố cáo tố cáo thực hiện quyền tố cáo tiếp, và người có thẩm quyền thực hiện việc tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo tiếp, pháp luật tố cáo hiện hành cũng cần được bổ sung quy định về quyền tố cáo tiếp của người tố cáo trong trường hợp người tố cáo có căn cứ cho rằng người có thẩm quyền từ chối thụ lý giải quyết tố cáo, từ chối thụ lý giải quyết lại vụ việc tố cáo không đúng quy định./.

 

TS. Mai Văn Duẩn

Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh Bắc Ninh

 


[1] Điều 23 Luật Tố cáo quy định như sau: “1. Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan...Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo".

2. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều này...”.

[2] Khoản 1 Điều 29 Luật Tố cáo năm 2018

[3] Khoản 3 Điều 37 Luật Tố cáo năm 2018.

[4] Khoản 2 Điều 20 Luật Tố cáo năm 20112 quy định người có thẩm quyền không thụ lý giải quyết tố cáo trong các trường hợp: (1) Tố cáo về vụ việc đã được người đó giải quyết mà người tố cáo không cung cấp thông tin, tình tiết mới; (2) Tố cáo về vụ việc mà nội dung và những thông tin người tố cáo cung cấp không có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật; (3) Tố cáo về vụ việc mà người có thẩm quyền giải quyết tố cáo không đủ điều kiện để kiểm tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm.

[5] Xử lý đơn là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền căn cứ vào nội dung vụ việc được trình bày trong đơn mà phân loại nhằm thụ lý giải quyết đơn thuộc thẩm quyền, hướng dẫn hoặc chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật (khoản 2, Điều 4 Thông tư số 05/2021/TT-TTCP). Không xử lý đơn tức là người xử lý sẽ lưu để theo dõi. Không thụ lý giải quyết tố cáo là việc người có thẩm quyền từ chối giải quyết tố cáo và thông báo bằng văn bản cho người tố cáo biết.

[6] Khoản 2, Điều 24 Luật Tố cáo quy định: “Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo” 

[7] Việc này thường dẫn đến vi phạm về thời hạn thụ lý.

[8] khoản 1, Điều 37 Luật Tố cáo quy định “Trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng quy định của pháp luật thì người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo”.

[9] Theo quy trình giải quyết tố cáo quy định tại Điều 11 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ, thì  “người giải quyết tố cáo, Tổ xác minh làm việc trực tiếp với người tố cáo; yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng mà họ có được để làm rõ nội dung tố cáo”, hoặc trong “trường hợp không làm việc trực tiếp với người tố cáo vì lý do khách quan thì người giải quyết tố cáo, người ra quyết định thành lập Tổ xác minh hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh có văn bản yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng để làm rõ nội dung tố cáo” (tức là nội dung tố cáo đã được thụ lý giải quyết).

 

(Nguồn: http://www.issi.gov.vn/News/NewsEventDetail.aspx?9119)

 





Các tin khác

Hỗ trợ trực tuyến
 ĐT : 0222 3875002
Fax : 0222 3874300
bantiepcongdanbacninh@gmail.com
Trao đổi - Góp ý
Liên kết