Thông tin chi tiết
Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp: Thách thức và giải pháp cho công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Yên Bái

 

(Thanh tra) - Từ ngày 1/7/2025, cả nước chính thức chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh và cơ sở), thay thế cho mô hình 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đang áp dụng. Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, việc dừng hoạt động các đơn vị hành chính cấp huyện, kiện toàn trực tiếp 51 xã, phường, thị trấn là bước then chốt nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, sự thay đổi này đặt ra nhiều thách thức đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính quyền.

 

Công dân nêu ý kiến tại buổi tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái. Ảnh: Đức Thiện  

 

Thực hiện Chỉ thị 35 ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Yên Bái đã kịp thời ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo và phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, UBND cấp xã về công tác tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo. Trên cơ sở Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn, tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật, đảm bảo không phát sinh “điểm nóng” và hạn chế tối đa việc “đùn đẩy” trách nhiệm giữa các cấp.

Trong những năm gần đây, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Yên Bái diễn biến ổn định, số vụ việc đúng hoặc đúng một phần đã giảm dần; hầu hết vụ việc được giải quyết kịp thời, đúng trình tự, thủ tục.

Tuy nhiên, một số tồn tại, hạn chế vẫn còn: Hệ thống tiếp nhận, xử lý đơn thư vẫn vận hành song song hai cơ chế trực tiếp và trực tuyến, gây chồng chéo và khó kiểm soát. Công tác tổng hợp, báo cáo số liệu giữa các đơn vị chưa thống nhất, dẫn đến chậm trễ trong xây dựng báo cáo định kỳ và đột xuất.

Khi chính thức chuyển sang mô hình 2 cấp từ 1/7/2025, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Yên Bái sẽ chịu tác động toàn diện: Hàng loạt văn bản, nghị định, thông tư liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo phải được rà soát, sửa đổi, bổ sung để khớp với mô hình 2 cấp, tránh “khoảng trống” pháp lý sau ngày 1/7/2025.

Trước đây, Chủ tịch UBND cấp huyện thụ lý giải quyết khiếu nại lần hai và tố cáo tiếp; sau khi kiện toàn, toàn bộ các vụ việc này sẽ chuyển lên Chủ tịch UBND tỉnh. Với 51 xã có thể phát sinh mỗi xã 1 vụ khiếu nại lần hai và 1 vụ tố cáo tiếp, UBND tỉnh Yên Bái sẽ phải thụ lý khoảng 102 vụ/năm (gấp 6,34 lần so với năm 2024).

Đội ngũ công chức cấp xã sau sắp xếp, dù được bổ sung từ bộ máy cấp huyện, vẫn thiếu về số lượng, chưa đồng đều về chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt trong công tác tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cần thời gian đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực đáp ứng khối lượng, tính chất vụ việc mới.

Phòng tiếp dân, trang thiết bị, máy móc tại một số xã còn nhiều điểm hạn chế. Việc triển khai “tiếp công dân trực tuyến” đòi hỏi đường truyền ổn định, phần mềm chuyên dụng và quy trình vận hành thống nhất.

Hiện Yên Bái có 9 huyện, thị xã, thành phố làm đầu mối tổng hợp; sau sắp xếp, con số này tăng lên khoảng 51 đầu mối cấp xã, dẫn đến quy trình báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo Thông tư 01/2024/TT-TTCP phức tạp hơn (gấp 5,7 lần), dễ phát sinh nhầm lẫn, chậm trễ, sai sót.

Để khắc phục các khó khăn, đảm bảo mô hình 2 cấp vận hành hiệu quả, cần nhanh chóng hoàn thiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn, bảo đảm thẩm quyền, trách nhiệm rõ ràng cho UBND tỉnh và UBND cấp xã.

Cùng với đó, nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân – xử lý đơn – giải quyết khiếu nại, tố cáo; xây dựng nền tảng tích hợp, cho phép kết nối, chia sẻ thông tin liền mạch giữa các cấp. Cung cấp giải pháp tự động hóa báo cáo, phê duyệt, theo dõi tiến độ xử lý vụ việc, giảm tải công việc hành chính thủ công.

Đối với UBND tỉnh Yên Bái, thực hiện điều động, tuyển dụng và bố trí cán bộ chuyên môn về công tác tiếp dân, khiếu nại, tố cáo; xây dựng kế hoạch đào tạo, luân chuyển để nâng cao năng lực chuyên sâu. Quy định cụ thể trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch UBND cấp xã; quy trình xử lý đối với vụ việc sau khi cấp tỉnh rà soát, sửa đổi hoặc hủy bỏ. Xây dựng quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy chế vận hành “tiếp công dân trực tuyến”; hướng dẫn UBND cấp xã chuẩn bị phòng, thiết bị, đường truyền, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin.

Đối với UBND cấp xã, Chủ tịch UBND xã phải trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, không để tồn đọng. Thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho công chức chuyên trách; kết nối, hỗ trợ chuyên môn từ các sở, ngành liên quan. Đảm bảo phòng tiếp dân đạt chuẩn, trang bị máy tính, camera họp trực tuyến, tài liệu hướng dẫn; tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện với người dân.

Việc chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025 là bước đi chiến lược nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, mô hình mới sẽ mang lại lợi thế trong chỉ đạo xuyên suốt, giảm tầng nấc trung gian, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Chỉ khi các giải pháp về hoàn thiện khung pháp lý, nâng cấp hạ tầng công nghệ, kiện toàn nhân lực và đào tạo chuyên sâu được triển khai kịp thời, đồng bộ, mô hình chính quyền 2 cấp mới phát huy tối đa hiệu quả, góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp và ngày càng phục vụ nhân dân tốt hơn.

Lương Đức Thiện,

Trưởng phòng Nghiệp vụ IV, Thanh tra tỉnh Yên Bái

(Nguồn: https://thanhtra.com.vn/khieu-nai-to-cao-AAE7E0F0E/mo-hinh-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-thach-thuc-va-giai-phap-cho-cong-tac-tiep-cong-dan-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-tai-yen-bai-d8caa724a.html)





Các tin khác

Hỗ trợ trực tuyến
 ĐT : 0222 3875002
Fax : 0222 3874300
bantiepcongdanbacninh@gmail.com
Trao đổi - Góp ý
Liên kết