Thông tin chi tiết
Nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân

 

Bài viết phân tích thực tiễn thi hành quy định pháp luật về hoạt động tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân để đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý cũng như bảo đảm điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hoạt động này trong thời gian tới.

1. Tình hình tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân

Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự, việc tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có vị trí rất quan trọng, là khâu mở đầu của hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra và xử lý tội phạm. Tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đầy đủ, kịp thời, chính xác, đúng pháp luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tiếp theo, nhằm nhanh chóng khám phá vụ án. Ngược lại, những sai lầm, thiếu sót của hoạt động tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm sẽ gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động điều tra, thậm chí làm mất khả năng chứng minh tội phạm.

Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) quy định về trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:

“1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

3. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;

b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình…”.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015) thì các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được bố trí ở nhiều bộ, ngành khác nhau (như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong đó, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân gồm: Các cơ quan thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và các cơ quan thuộc lực lượng An ninh nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 9 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân bao gồm: Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trại giam.

Thực hiện mô hình tổ chức mới của Bộ Công an theo Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân được sắp xếp lại theo hướng, thu gọn đầu mối, với những thay đổi, cụ thể là:

- Tại các đơn vị trực thuộc Bộ: Sáp nhập Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao với Cục An ninh mạng thành Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

- Tại Công an cấp tỉnh: Giải thể Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bỏ quy định Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và chuyển thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra của đơn vị này cho Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao hoặc phòng nghiệp vụ khác của Công an cấp tỉnh.

Về cơ sở lý luận, để phân định thẩm quyền của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 đều có các điều luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn đối với từng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân, bảo đảm rõ ràng, thống nhất. Trong Công an nhân dân, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành các thông tư quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phân định thẩm quyền của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân. Theo đó, hiện nay, về cơ bản, hệ thống cơ sở pháp lý đối với hoạt động tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân đã được hoàn thiện, quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.

Trên cơ sở các quy định của pháp luật, trong thời gian qua, công tác tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân đã có nhiều chuyển biến, bảo đảm chất lượng; công tác xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong giai đoạn 2020 - 2022, các cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đạt tỷ lệ trên 90%, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và phòng, chống tội phạm của các cơ quan chức năng. Trong đó, số lượng tố giác, tin báo về tội phạm do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân tiếp nhận chiếm tỷ lệ chưa cao, cụ thể là đã tiếp nhận 4.275 tố giác, tin báo về tội phạm, trong đó đã giải quyết 177 tố giác, tin báo về tội phạm, 22 tố giác, tin báo về tội phạm đang giải quyết và chuyển cơ quan có thẩm quyền 4.076 tố giác, tin báo về tội phạm. Trong số 177 tố giác, tin báo về tội phạm đã giải quyết, có 10 tố giác, tin báo về tội phạm được khởi tố vụ án hình sự; 158 tố giác, tin báo về tội phạm không khởi tố vụ án hình sự; 09 tố giác, tin báo về tội phạm bị tạm đình chỉ giải quyết. Điều này cho thấy, hoạt động này đã hỗ trợ tích cực cho công tác điều tra, khám phá tội phạm của cơ quan điều tra.

Trong những năm qua, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân đã rất chú trọng tiến hành hoạt động tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Trên cơ sở quán triệt những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân đã triển khai tổ chức lực lượng trực tiếp làm công tác tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tổ chức cho cán bộ tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ điều tra hình sự nói chung, nghiệp vụ về tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nói riêng. Đồng thời, lãnh đạo các đơn vị thường xuyên quán triệt việc thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong đơn vị và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo về chuẩn bị các trang bị, phương tiện, hệ thống sổ sách, biểu mẫu, trụ sở tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong các trường hợp cụ thể. Nhìn chung, hoạt động tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân được thực hiện đúng quy định của pháp luật, cũng như nhiệm vụ, quyền hạn, cơ bản bảo đảm tính nhanh chóng, kịp thời, góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra xử lý tội phạm.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong hoạt động tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân, thì vẫn còn một số hạn chế, cũng như khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, đó là:

Thứ nhất, các quy định pháp luật, hệ thống pháp luật liên quan đến quá trình tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm vẫn còn một số quy định chưa phù hợp, đồng thời việc tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm còn qua nhiều khâu trung gian gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, xác minh, xử lý.

Thứ hai, nguồn lực phục vụ hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm còn hạn chế; số lượng cán bộ tại cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân còn thiếu, chưa đáp ứng được khối lượng công việc cũng như yêu cầu thực tiễn; tình trạng cán bộ kiêm nhiệm thực hiện nhiều công việc khác nhau trong khi trình độ, năng lực của cán bộ thực hiện đôi khi chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của công việc.

Ngoài ra, quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và những việc cán bộ điều tra được tiến hành ở các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nói chung và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, điều này gây ra khó khăn trong thực tiễn thực hiện pháp luật. Do đó, chưa thống nhất trong việc xác định vai trò, vị trí, thẩm quyền của cán bộ điều tra trong hoạt động điều tra hình sự nói chung và hoạt động tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nói riêng (vai trò, vị trí trong biên bản làm việc với đương sự; trong hoạt động thu giữ tài liệu, đồ vật...). Điều này gây ra một số bất cập trong khi cán bộ điều tra là lực lượng đông đảo thực hiện các hoạt động tố tụng, là đội ngũ có vai trò quan trọng.

Thứ ba, quan hệ phối hợp giữa cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân với cơ quan điều tra và các lực lượng khác còn thiếu chặt chẽ.

2. Nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân trong thời gian tới

Để tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cũng như bảo đảm điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hoạt động tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân, trong thời gian tới, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật về hình sự, tố tụng tư pháp, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát nhân dân để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và Hiến pháp năm 2013. Từ đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung để đổi mới về tổ chức và hoạt động, tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Cụ thể là, sửa đổi, bổ sung Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về khám nghiệm hiện trường theo hướng, bổ sung cụm từ “cấp trưởng, cấp phó của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra” vào sau cụm từ “Điều tra viên” tại khoản 1 và khoản 2 Điều 201.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về việc cho phép cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền ra quyết định trưng cầu giám định. Bởi vì, nhiều vụ, việc liên quan đến môi trường, trật tự giao thông… nếu không kịp thời tiến hành giám định thì không đủ cơ sở xác định hành vi xảy ra có cấu thành tội phạm hay không. Từ đó, làm căn cứ cho việc xem xét, quyết định khởi tố vụ án và tiến hành các hoạt động điều tra tiếp theo.

Hai là, tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ công tác tại các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân nhằm đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ được giao, đồng thời tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành, pháp lý cho các đối tượng thực hiện công tác có liên quan đến điều tra hình sự. Tăng cường hơn nữa chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ này phù hợp với quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và những việc cán bộ điều tra được tiến hành của các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và sớm kiện toàn tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ điều tra của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nói chung và lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng.

Ba là, tăng cường quan hệ phối hợp giữa cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân với cơ quan điều tra và các lực lượng khác trong hoạt động tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nói riêng và công tác điều tra hình sự nói chung. Trong thời gian tới, cần xây dựng và ban hành các thông tư liên tịch, công văn hướng dẫn quy định cụ thể về quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Hiện nay, chỉ mới có Thông tư số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 09/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và Thông tư số 129/2021/TT-BCA ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân.

Đồng thời, tham mưu, báo cáo các cấp có thẩm quyền để có sự quan tâm, tạo điều kiện cũng như có chủ trương tăng cường trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cho các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân để phục vụ công tác điều tra hình sự nói chung và hoạt động tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nói riêng đạt hiệu quả cao nhất.

 

ThS. Đào Thị Phương Mai

Khoa Luật - Học viện Cảnh sát nhân dân

 

(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 392), tháng 11/2023)

https://danchuphapluat.vn/nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-tiep-nhan-va-giai-quyet-to-giac-tin-bao-ve-toi-pham-cua-cac-co-quan-duoc-giao-nhiem-vu-tien-hanh-mot-so-hoat-dong-dieu-tra-thuoc-luc-luong-canh-sat-nhan-dan





Các tin khác

Hỗ trợ trực tuyến
 ĐT : 0222 3875002
Fax : 0222 3874300
bantiepcongdanbacninh@gmail.com
Trao đổi - Góp ý
Liên kết