Thông tin chi tiết
Cần phân biệt rõ khiếu nại với tranh chấp đất đai để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu kiện

 

Trong quá trình giải quyết khiếu kiện, nếu không hiểu đúng các vấn đề mang tính nguyên tắc pháp luật thì không thể đánh giá đúng bản chất sự việc và như vậy không thể vận dụng những quy định pháp luật phù hợp với vấn đề cần giải quyết. Khiếu kiện hiện nay thực tế có 3 loại gồm: Khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai, trong đó “tố cáo” là dễ nhận biết nhất, còn giữa “khiếu nại” và “tranh chấp đất đai” thường xuyên có sự nhầm lẫn. 

Tuy nhiên, điều đáng nói là việc nhầm lẫn này không chỉ xảy ra ở cấp cơ sở mà còn xảy ra ngay ở những cơ quan cấp tỉnh, cấp Trung ương. Chúng ta có thể cùng tìm hiểu về vấn đề này.

 

Theo định nghĩa tại Khoản 1, Điều 2 của Luật Khiếu nại, tố cáo đã được sửa đổi, bổ sung các năm 2004, 2005 thì: “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.

 

Từ định nghĩa trên và qua thực tế công tác, chúng tôi thấy, có thể hiểu một cách đơn giản hơn là: Khiếu nại là việc đề nghị xem lại các quyết định hành chính, hành vi hành chính mà người đề nghị cho rằng nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của mình. Nghĩa là, nếu bản thân mình không có quyền và lợi ích chính đáng liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính thì không có quyền khiếu nại.

 

Điều 4, Luật Đất đai năm 2003 định nghĩa “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”.

 

Định nghĩa này khá đơn giản và khá chung chung. Vì vậy, xin nói thêm như sau: Theo Từ điển tiếng Việt (do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2005) thì “tranh chấp” là: (1) Giành nhau một cách giằng co cái không rõ thuộc về bên nào và (2) Đấu tranh giằng co khi có ý kiến bất đồng thường là trong vấn đề quyền lợi giữa hai bên. Theo định nghĩa này, có thể hiểu theo nghĩa thông thường “tranh chấp đất đai” là việc giành nhau về một phần đất nào đó hoặc quyền và nghĩa vụ liên quan đến phần đất đó mà chưa rõ nó thuộc về bên nào. Việc “giành nhau” này có thể bằng hành động trực tiếp (chiếm trực tiếp), cũng có thể mới ở phần ý kiến (đòi cơ quan có thẩm quyền phải công nhận cho mình thay vì cho người khác). Việc giành nhau này không chỉ “giữa hai bên” như Từ điển nêu mà có thể giữa nhiều bên.

 

Như vậy, ngay từ những khái niệm cơ bản này, chúng ta thấy rõ đây là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau. “Khiếu nại” được quy định và điều chỉnh tại Luật Khiếu nại, tố cáo, còn “tranh chấp đất đai” lại được quy định và điều chỉnh tại Luật Đất đai (lưu ý, Luật Đất đai cũng có quy định về khiếu nại nhưng ở phạm vi hẹp là “khiếu nại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai” - Điều 138, Luật Đất đai 2003). Rõ ràng đây là 2 vấn đề do 2 Luật khác nhau điều chỉnh, thiết tưởng như thế không thể nhầm lẫn (trong Luật Khiếu nại, tố cáo hoàn toàn không có khái niệm “tranh chấp đất đai”, còn dấu hiệu để nhận biết về khiếu nại là “quyết định hành chính” và “hành vi hành chính” thì hoàn toàn không có trong tranh chấp đất đai), song thực tế lại không như vậy.

 

Những năm vừa qua, do được tham gia nhiều đoàn thanh tra trách nhiệm tại nhiều tỉnh, thành phố, chúng tôi có cơ sở để khẳng định rằng, việc nhầm lẫn 2 vấn đề này trong quá trình giải quyết tại địa phương là khá phổ biến. Có rất nhiều vụ việc tranh chấp đất đai được người giải quyết cho là “khiếu nại” nhưng sau đó người ta thêm từ “đòi đất” hay “tranh chấp đất đai” để thành cụm từ không rõ ràng và chưa hề có một văn bản pháp luật nào của Nhà nước ta quy định (như: “khiếu nại đòi đất”, “khiếu nại tranh chấp đất đai”, “khiếu nại đòi đất cũ”, “khiếu nại đòi đất tập đoàn”...).

Vì coi “tranh chấp” là “khiếu nại” nên trong quá trình giải quyết, nhiều nơi không tuân theo quy định của Luật Đất đai (Điều 135 và 136) mà lại vận dụng Luật Khiếu nại, tố cáo để giải quyết. Điều đó là sai vì trình tự, thẩm quyền giải quyết khác nhau, thời hạn, thời hiệu cũng khác nhau và đặc biệt là quyết định giải quyết tranh chấp không được quyền khiếu nại (khoản 3, Điều 138 Luật Đất đai 2003), mặc dù đây cũng là quyết định hành chính.

 

Hiện nay, khi xác định nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện không giảm, người ta cho rằng có nguyên nhân là chất lượng giải quyết chưa cao, song còn một nguyên nhân nữa là do bản thân cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai có lúc còn chưa hiểu rõ được đối tượng tác động của mình là gì nên việc chỉ đạo hoặc giải quyết không đúng làm tình hình càng phức tạp, rắc rối thêm.

Để có thể đảm bảo hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai, thiết nghĩ, mỗi cán bộ khi giao việc hoặc khi được giao vụ việc cụ thể cần nghiên cứu kỹ, hiểu đúng bản chất vấn đề trước khi thực hiện nhiệm vụ của mình./.

 

 Đỗ Duy Phức - Phó Cục trưởng Cục II - TTCP

Nguồn: Tạp chí Thanh tra





Các tin khác

Hỗ trợ trực tuyến
 ĐT : 0222 3875002
Fax : 0222 3874300
bantiepcongdanbacninh@gmail.com
Trao đổi - Góp ý
Liên kết