Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân
Như chúng ta đều biết quyền khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của công dân, được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Thông qua giải quyết khiếu nại bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của tập thể và của Nhà nước khi bị xâm hại, đồng thời phản ánh tính đúng đắn trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước.
Chính vì lẽ đó mà công tác giải quyết khiếu nại luôn được đặt ra đối với tất cả các cơ quan nhà nước từ hành pháp đến tư pháp. Đối với Tòa án bên cạnh chức năng xét xử theo quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân còn có trách nhiệm giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của mình. Vì vậy, giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo đúng quy định, phân tích, lập luận thuyết phục sẽ góp phần khẳng định, nâng cao vị trí vai trò của Tòa án. Vì vậy, bài viết này tôi xin nêu: Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Trị, nhằm đưa công tác giải quyết khiếu nại ngày càng đạt chất lượng, hiệu quả hơn.
Quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp
Khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận tại điều 30 Hiến pháp năm 2013 và theo khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại năm 2011, khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Khoản 1 Điều 2 Luật tố cáo năm 2018 quy định: Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân…
Để thống nhất cách hiểu về hoạt động tư pháp, khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp, tại khoản 1, 2 và 3 Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-TÒA ÁNTC-TATC-BCA-BQP-BTP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/4/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định phối hợp trong việc báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Thông tư liên tịch số 01/2018). Trong đó: Hoạt động tư pháp bao gồm hoạt động trong các lĩnh vực tố tụng hình sự; tố tụng dân sự; tố tụng hành chính; thủ tục phá sản; thi hành án hình sự; thi hành án dân sự; thi hành án hành chính; thi hành tạm giữ, tạm giam; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án và việc khác mà pháp luật quy định là hoạt động tư pháp.
Khiếu nại trong hoạt động tư pháp là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức, theo thủ tục do pháp luật quy định, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp, khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Tố cáo trong hoạt động tư pháp là việc cá nhân, theo thủ tục do pháp luật quy định, báo cho cơ quan, người có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
- Về tố tụng hình sự: Quy định về tiếp nhận, giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực tố tụng hình sự được quy định trong Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (sau đây viết tắt là BLTTHS năm 2015) và Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT-TÒA ÁNTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/9/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của BLTTHS về khiếu nại, tố cáo (Thông tư liên tịch số 02/2018).
Công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được cụ thể hóa trong các quy định của pháp luật hiện nay như: Luật Tổ chức TAND năm 2014; Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; Luật Tố tụng Hành chính năm 2015; Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-TÒA ÁNTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/9/2018 của Liên ngành .
Trong những năm qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cao theo thẩm quyền của Tòa án nhân dân luôn được chú trọng giải quyết. Theo báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Trị
Năm 2021: thụ lý 36 đơn, trong đó đơn thuộc thẩm quyền 31 đơn. Khiếu nại không thuộc thẩm quyền 05 đơn,(hướng dẫn người khiếu nại chuyển đơn 02 đơn, lưu không xử lý 03 đơn). Khiếu nại không đủ điều kiện thụ lý: 0 đơn.
Kết quả giải quyết: 31/31 đơn 100%. giải quyết bằng quyết định 24 đơn ; băng công văn 04 đơn; bằng hình thức khác: 03 đơn; Trong đó khiếu nại đúng 05; khiếu nại có phần đúng 01, khiếu nại sai 25.
Năm 2022: thụ lý 39 đơn, trong đó đơn thuộc thẩm quyền 30 đơn. Khiếu nại không thuộc thẩm quyền 08 đơn (hướng dẫn người khiếu nại chuyển đơn 07 đơn, lưu không xử lý 01 đơn). Khiếu nại không đủ điều kiện thụ lý: 01 đơn.
Kết quả giải quyết: Tỷ lệ 31/32 đơn 96,87 %. Giải quyết bằng quyết định 14 đơn ; băng công văn 16 đơn; bằng hình thức khác: 01 đơn; Trong đó khiếu nại đúng 05; khiếu nại có phần đúng 01, khiếu nại sai 25 đơn,còn lại chưa giải quyết 01 đơn.
Năm 2023: thụ lý 22 đơn, trong đó đơn thuộc thẩm quyền 16 đơn. Khiếu nại không thuộc thẩm quyền 02 đơn (hướng dẫn người khiếu nại chuyển đơn 02 đơn, lưu không xử lý 01 đơn). Khiếu nại không đủ điều kiện thụ lý: 03 đơn.
Kết quả giải quyết: 15/17 đơn 88,23 %. Giải quyết bằng quyết định 12 đơn ; băng công văn 03 đơn; bằng hình thức khác: 0 đơn; Trong đó khiếu nại đúng 0 đơn; khiếu nại có phần đúng 01, khiếu nại sai 14. Còn lại chưa giải quyết 02 đơn.
Đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng đều đã được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Lãnh đạo Tòa án hai cấp; cán bộ được phân công làm công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác giải quyết đơn, nên việc giải quyết đối với loại đơn này luôn đạt tỷ lệ cao. Các Tòa án đã giải quyết 95,75% số đơn khiếu nại các quyết định tố tụng và hành vi tố tụng. Số đơn còn lại trong thời hạn giải quyết đang được các Tòa án tiếp tục xem xét, giải quyết theo pháp luật. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện kịp thời theo đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, đảm bảo chất lượng và thời hạn giải quyết. Quá trình giải quyết các Tòa án luôn đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo; chú trọng việc đối thoại và yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại cung cấp tài liệu để xem xét, xác minh những vấn đề cần làm rõ; đề cao ý thức trách nhiệm và tổ chức thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền.
Từ thực tiễn giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp rút giải pháp kinh nghiệm, giải pháp như sau:
Thứ nhất, tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo hơn nữa đến công tác giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân, khi phát sinh đơn khiếu nại cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi tiến độ yêu cầu cán bộ báo cáo kết quả giải quyết kịp thời theo đúng thời hạn quy định.
Thứ hai, đề cao tinh thần trách nhiệm của người được phân công tham mưu trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phải đề cao trách nhiệm cá nhân trong công tác giải quyết khiếu nại; cần có nhận thức đúng mức về tầm quan trọng của công tác này cũng như tác hại của việc ban hành quyết định giải quyết không đúng nội dung hoặc hình thức. Từ việc đề cao tinh thần trách nhiệm và sự nhận thức đúng sẽ giúp cho cán bộ sẽ thận trọng trong quá trình thu thập tài liệu, nghiên cứu hồ sơ và báo cáo kết quả giải quyết cho lãnh đạo, Người có thẩm quyền giải quyết. Thực tiễn cho thấy, nếu trong bất kỳ công việc nào chúng ta tâm huyết, đề cao trách nhiệm cá nhân, tận tuỵ, vô tư, công tâm, khách quan trong công việc thì kết quả mang lại sẽ có chất lượng, ngược lại nếu chúng ta thực hiện nhiệm vụ một cách tắc trách, thiếu thận trọng, không kiểm tra kỹ thì sẽ dẫn đến xảy ra sai sót, thậm chí là những sai sót không đáng có.
Thứ ba, cần có sự nhận thức đầy đủ, đúng pháp luật về thẩm quyền, quy trình, nội dung giải quyết. Công tác giải quyết khiếu nại không phát sinh thường xuyên do vậy người không thường thực hiện các thao tác nghiệp vụ như các lĩnh vực công tác khác. Vì không làm thường xuyên nên trước khi thực hiện chúng ta không nghiên cứu lại các quy định của pháp luật liên quan đến việc giải quyết khiếu nại tránh dẫn đến sai sót trong việc xác định thẩm quyền, quy trình giải quyết. Do vậy, trước khi tiến hành giải quyết, mỗi cán bộ cần nghiên cứu lại từng quy định cụ thể để xác định đúng các bước cần phải tiến hành, tránh sai sót trong việc áp dụng pháp luật.
Thứ tư, chú trọng đúng mức đến công tác đối thoại, giải thích pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong quá trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, cần hết sức coi trọng công tác đối thoại, nhất là phải đảm bảo thành phần tham gia đối thoại, người được phân công thụ lý giải quyết đơn cần nắm chắc các quy định pháp luật có liên quan và nội dung khiếu nại để giải thích cho người khiếu nại hiểu rõ được các quy định của pháp luật; đồng thời có phương pháp đối thoại mềm dẻo, nhẹ nhàng nhưng cương quyết, có kỹ năng giao tiếp cơ bản để đảm bảo giải quyết triệt để được nội dung khiếu nại, hạn chế việc khiếu nại vượt cấp, nâng cao uy tín của hệ thống Tòa án hai cấp.
Bên cạnh việc nghiên cứu, phân tích các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ, cán bộ giải quyết khiếu nại cần phải tích cực đối thoại, làm việc trực tiếp với người có đơn khiếu nại, người bị khiếu nại để có thể nắm bắt được toàn diện, khách quan hơn về diễn biến, nội dung sự việc xảy ra, những vấn đề liên quan có thể chưa thể hiện hết trong hồ sơ vụ việc, cũng như có thể nắm rõ hơn những tâm tư, nguyện vọng của các bên, nhất là bên có đơn khiếu nại. Tăng cường việc đối thoại trong giải quyết khiếu nại sẽ giúp ích rất nhiều cho cán bộ giải quyết trong việc tổng hợp, đánh giá chứng cứ, có cái nhìn đa chiều, tổng quan khi giải quyết vụ việc, từ đó sẽ có căn cứ đưa ra được những quyết định chính xác, đúng đắn, đồng thời cũng tạo được sự tin tưởng, an tâm hơn cho các bên trong quá trình giải quyết khiếu nại. Ngoài ra, thông qua việc gặp trực tiếp người khiếu nại tại buổi đối thoại, cán bộ giải quyết khiếu nại có điều kiện để giải thích, phân tích các quy định của pháp luật, đối chiếu với sự việc xảy ra để định hướng người khiếu nại thực hiện quyền khiếu nại và quyền rút nội dung khiếu nại phù hợp. Quá trình giải quyết khiếu nại, thông qua các buổi đối thoại, chính nhờ khả năng thuyết phục, phân tích có lý có tình, khả năng giao tiếp, ứng xử khéo léo, linh hoạt cũng như sự thấu hiểu, thấu tình đạt lý của cán bộ giải quyết đơn đã thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân, giúp họ nhận ra vụ việc của họ đã được các cơ quan tố tụng giải quyết là đúng đắn, khách quan, phù hợp với các quy định của pháp luật nên đã tự nguyện rút đơn, không tiếp tục khiếu nại không có căn cứ. Nhờ đó, quá trình giải quyết khiếu nại vừa kết thúc nhẹ nhàng, không diễn tiến căng thẳng lại vừa tiết kiệm được thời gian cho các bên và nhất là tránh được tình trạng khiếu nại kéo dài, khiếu nại vượt cấp.
Thứ năm, đề cao tinh thần phối hợp trong công tác giải quyết đơn khiếu nại. Do công tác giải quyết khiếu nại thường phát sinh ở nhiều lĩnh vực khác nhau như trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, và giữa Tổ hành chính tư pháp và Phòng kiểm tra nghiệp vụ. Do vậy, giữa bộ phận làm công tác tham mưu giải quyết đơn và bộ phận làm công tác nghiệp vụ phải có sự phối hợp chặt chẽ, từng đơn vị, từng bộ phận thực hiện đúng trách nhiệm phối hợp của mình để cùng tham mưu cho Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết đạt chất lượng tốt nhất.
Trên đây là những kinh nghiệm, giải pháp mà thực tiễn đã áp dụng để thực hiện tốt công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền xin nêu ra nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác trên trong thời gian đến.
Trần Văn Phương –
Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị
(Nguồn:https://quangtri.toaan.gov.vn/webcenter/portal/quangtri/chitiettin?dDocName=TAND312505)