Thông tin chi tiết
Khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành chính trong công an nhân dân

 

 

1. Khiếu nại hành chính trong công an nhân dân

          Khiếu nại hành chính trong công an nhân dân được hiểu là việc cá nhân, cơ quan tổ chức; cán bộ, chiến sĩ Công an, học viên, công nhân công an căn cứ vào quy định pháp luật đề nghị cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 23/2022/TT-BCA ngày 16/5/2022 của Bộ Công an quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong công an nhân dân, khiếu nại trong Công an nhân dân gồm: khiếu nại của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với  quyết định hành chính, hành vi hành chính của cán bộ, chiến sĩ Công an, thủ trưởng cơ quan công an; Khiếu nại của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, học viên Công an nhân dân đối với quyết định kỷ luật; khiếu nại của công nhân Công an, lao động hợp đồng đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Quy trình tiếp nhận, xử lý và giải quyết khiếu nại hành trong công an nhân dân

2.1. Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an

*Xử lý đơn: Theo quy định Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 68/2013/TT-BCA ngày 26/12/2013 của Bộ Công an hướng dẫn xử lý khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; giải quyết khiếu nại và quản lý công tác giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân, khiếu nại trong Công an nhân dân, đơn khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính được xử lý như sau:

+ Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp nào, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điểu 11 Luật khiếu nại năm  thì cán bộ xử lý đề xuất Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp đó thụ lý để giải quyết theo quy định của pháp luật. Nếu khiếu nại thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011 thì không thụ lý nhưng phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do không thụ lý cho người khiếu nại biết;

+ Trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính không thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng Công an cấp mình, nhưng thuộc trách nhiệm giải quyết của Công an nhân dân thì cán bộ xử lý căn cứ thẩm quyền quy định tại Điều 9 Thông tư này để đề xuất Thủ trưởng Công an cấp mình chuyển khiếu nại đến Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền xem xét, giải quyết và phải thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến; đồng thời thông báo việc chuyển đơn cho tổ chức Thanh tra Công an cùng cấp với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại để giúp Thủ trưởng cùng cấp theo dõi, quản lý kết quả giải quyết;

+ Trường hợp cơ quan, đơn vị Công an nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng Công an cấp dưới trực tiếp, nhưng quá thời hạn theo quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết, nếu đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật Khiếu nại năm  thì cán bộ xử lý đề xuất Thủ trưởng Công an nhận được khiếu nại thụ lý giải quyết; đồng thời thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến.

* Nguyên tắc xác định thẩm quyền: Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 23/2022/TT-BCA ngày 16/5/2022 của Bộ Công an quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong công an nhân dân thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính được xác định theo nguyên tắc như sau:

 được xác định theo nguyên tắc như sau:

- Trưởng Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an (sau đây gọi chung là Trưởng Công an cấp xã) giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình và của cán bộ, chiến sĩ Công an do mình quản lý trực tiếp.

- Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Trưởng Công an cấp huyện) giải quyết:

+ Khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình và của cán bộ, chiến sĩ Công an do mình quản lý trực tiếp, trừ khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Trưởng Công an cấp xã nêu trên;

+ Khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà Trưởng Công an cấp xã đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn theo quy định nhưng chưa được giải quyết.

- Trưởng phòng và Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng thuộc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Giám thị trại giam, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình và của cán bộ, chiến sĩ Công an do mình quản lý trực tiếp.

- Cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp cục thuộc Cơ quan Bộ Công an; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết:

+ Khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình và của cán bộ, chiến sĩ Công an do mình quản lý trực tiếp, trừ khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Trưởng Công an cấp huyện và Trưởng phòng và Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng thuộc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Giám thị trại giam, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng nêu trên.

+ Khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

- Bộ trưởng Bộ Công an giải quyết:

+ Khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình và của cán bộ, chiến sĩ Công an do mình quản lý trực tiếp, trừ khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của; Cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp cục thuộc Cơ quan Bộ Công an; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết nêu trên.

+ Khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà Cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp cục thuộc Cơ quan Bộ Công an; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn theo quy định nhưng chưa được giải quyết;

+ Khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính có nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Công an mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

* Trình tự, thủ tục giải quyết: Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính thực hiện theo quy định tại Chương III Thông tư số 23/2022/TT-BCA ngày 16/5/2022, gồm các bước sau:

- Thụ lý và chuẩn bị xác minh khiếu nại: Thụ lý giải quyết khiếu nại; Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật bị khiếu nại; Giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại, quyết định xác minh nội dung khiếu nại; Lập kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại; Gửi, công bố Quyết định xác minh nội dung khiếu nại.

- Tiến hành xác minh nội dung khiếu nại: Làm việc trực tiếp với người khiếu nại, người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại; Tiếp nhận, xử lý thông tin, tài liệu, bằng chứng và xác minh thực tế; Làm việc với các bên có liên quan trong quá trình xác minh nội dung khiếu nại; Trưng cầu giám định; Gia hạn giải quyết khiếu nại (nếu có); Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại (nếu có); Đình chỉ việc giải quyết khiếu nại (nếu có); Xây dựng dự thảo báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại; Tổ chức đối thoại; Tham khảo ý kiến tư vấn (nếu có);

- Ban hành, gửi, công khai quyết định giải quyết khiếu nại, lập và quản lý hồ sơ giải quyết khiếu nại.

2.2. Khiếu nại quyết định kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ công an

* Xử lý đơn: Theo quy định Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 68/2013/TT-BCA ngày 26/12/2013 của Bộ Công an hướng dẫn xử lý khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; giải quyết khiếu nại và quản lý công tác giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân, khiếu nại trong Công an nhân, đơn khiếu nại quyết định kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ công an được xử lý như sau:

- Khiếu nại quyết định kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ Công an thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp nào thì cán bộ xử lý đề xuất Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp đó thụ lý để giải quyết theo quy định của pháp luật;

- Khiếu nại quyết định kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ Công an nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng Công an cấp mình thì cán bộ xử lý căn cứ vào thẩm quyền để đề xuất chuyển đến Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

* Nguyên tắc xác định thẩm quyền: Theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 23/2022/TT-BCA ngày 16/5/2022 của Bộ Công an quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong công an nhân dân, thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ công an được xác định theo nguyên tắc như sau:

-  Đối với quyết định kỷ luật sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ:

+ Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng và Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng thuộc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Giám thị trại giam, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Trung đoàn trưởng thuộc Bộ Tư lệnh cảnh vệ; Giám đốc trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ, Trung đoàn trưởng, Trưởng đoàn thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định do mình ban hành;

+ Cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp cục thuộc Cơ quan Bộ Công an, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định do mình ban hành; giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định kỷ luật mà Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết;

+ Bộ trưởng Bộ Công an giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định kỷ luật do mình ban hành; giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định kỷ luật mà Cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp cục thuộc Cơ quan Bộ Công an, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

- Đối với quyết định kỷ luật học viên:

+ Giám đốc học viện, Hiệu trưởng các trường Công an nhân dân giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định kỷ luật do mình ban hành;

+ Thanh tra Bộ Công an giúp Bộ trưởng Bộ Công an giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định kỷ luật mà Giám đốc học viện, Hiệu trưởng các trường Công an nhân dân đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

- Đối với quyết định kỷ luật công nhân Công an:

+ Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý công nhân Công an theo phân cấp giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định kỷ luật do mình ban hành;

+ Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của Thủ trưởng quản lý công nhân Công an giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định kỷ luật mà Thủ trưởng quản lý công nhân Công an đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

- Trình tự, thủ tục giải quyết:  Cũng như khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ công an thực hiện theo quy định tại Chương III Thông tư số 23/2022/TT-BCA ngày 16/5/2022 nêu trên./.

 

Ban TCD

 

 

 





Các tin khác

Hỗ trợ trực tuyến
 ĐT : 0222 3875002
Fax : 0222 3874300
bantiepcongdanbacninh@gmail.com
Trao đổi - Góp ý
Liên kết