Thông tin chi tiết
Bảo vệ vị trí việc làm cho người tố cáo

           

            Để khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi cá nhân tích cực tham gia vào việc vạch trần các hành vi sai phạm, tham nhũng, tiêu cực thì một mặt nhà nước phải ban hành các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện quyền tố cáo và giải quyết tố cáo. Mạt khác, phải có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho họ và người thân tích của họ.

Theo quy định pháp luật tố cáo hiện hành, bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ).

Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viện chức hay người lao động khi thực hiện quyền tố cáo ngoài việc họ được bảo vệ an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của họ và vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của họ thì họ còn được bảo vệ về vị trí, công tác việc làm.

Pháp luật tố cáo hiện hành quy định về bảo vệ vị trí công tác, việc làm với 02 nhóm đối tượng khác nhau: (1) bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức; (2) bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động.

1. Bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ là cán bộ, công chức, viên chức

- Nội dung bảo vệ: Bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức là việc bảo vệ công việc gắn với chức danh, chức vụ, vị trí việc làm của cán bộ, công chức; công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý của viên chức trong quá trình giải quyết tố cáo.

- Thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ: Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được người có thẩm quyền giải quyết tố cáo yêu cầu hoặc đề nghị thực hiện biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong trường hợp người tố cáo đó không thuộc thẩm quyền quản lý của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Tổ chức, đơn vị làm công tác tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện biện pháp bảo vệ vị trí công tác có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với tổ chức công đoàn, ban thanh tra nhân dân và các tổ chức khác cùng cấp trong việc thực hiện bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

- Trình tự, thủ tục bảo vệ bảo vệ vị trí, việc làm

+ Đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ:

Khi có căn cứ cho rằng vị trí công tác, việc làm, của người được bảo vệ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo thì người tố cáo có văn bản đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ.

Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ phải có các nội dung chính sau đây: (1) ngày, tháng, năm đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; (2) họ tên, địa chỉ của người tố cáo; họ tên, địa chỉ của người cần được bảo vệ; (3) lý do và nội dung đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; (d) chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo. Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc thông qua điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ ngay nhưng sau đó nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.

+ Xem xét, quyết định bảo vệ người tố cáo: Khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và xét thấy đề nghị bảo vệ là có căn cứ, có tính xác thực hoặc trong quá trình giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo thấy có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo thì người giải quyết tố cáo kịp thời quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền hoặc đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Khi nhận được yêu cầu hoặc đề nghị của người giải quyết tố cáo, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ.

Trường hợp đề nghị của người tố cáo không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người tố cáo hoặc gửi thông báo cho người giải quyết tố cáo để giải thích rõ lý do cho người tố cáo.

+ Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ: Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.

Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ bao gồm các nội dung chính sau đây: (1) Ngày, tháng, năm ra quyết định; (2) Căn cứ ra quyết định; (3) Họ tên, địa chỉ của người được bảo vệ; (4) Nội dung, biện pháp bảo vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện biện pháp bảo vệ; (5) Thời điểm bắt đầu thực hiện biện pháp bảo vệ.

Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ được gửi cho người được bảo vệ, người giải quyết tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Sau khi có quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo vệ phải tổ chức thực hiện ngay việc bảo vệ; trường hợp cần thiết, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện việc bảo vệ.

+ Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ là cán bộ, công chức, viên chức bao gồm: (1) Tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật hoặc quyết định khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ; (2) Khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ; (3) Xem xét bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử; (4) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ.

Ngoài ra, cơ quan nhà nước không thực hiện việc điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ, trừ các trường hợp sau: (1) Thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Chương V Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; (2) Được sự đồng ý của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức; (3) Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Không xử lý kỷ luật người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ, trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo.

2. Bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động

Người làm việc theo hợp đồng lao động là người lao động theo quy định của pháp luật lao động, bao gồm cả người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động đối với một số công việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

- Nội dung và biện pháp bảo vệ: Bảo vệ việc làm của người được bảo vệ là việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét, ra quyết định áp dụng biện pháp cần thiết như (1) Yêu cầu người sử dụng lao động chấm dứt hành vi vi phạm; khôi phục vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ; (2) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật để bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ.

- Về trình tự, thủ tục bảo vệ bảo: Khi có căn cứ cho rằng vị trí công tác, việc làm của mình (người được bảo vệ) đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo người tố cáo hoặc người giải quyết tố cáo có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ.

Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc thông qua điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ ngay nhưng sau đó nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.

Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm của người tố cáo có các nội dung đã  nêu trên và được thực hiện theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 08/2020/TT-BLĐTBXH ngày 15/10/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động (sau đây gọi là Thông tư 08).

Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm của người giải quyết tố cáo được thực hiện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 08. Việc phát hành, xử lý, lưu trữ văn bản phải đảm bảo giữ bí mật thông tin về việc bảo vệ theo quy định.

- Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động:

+ Ủy ban nhân dân các cấp trách nhiệm: (1) Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp trong việc xem xét, quyết định bảo vệ; (2) thực hiện biện pháp bảo vệ việc làm kể từ ngày ban hành quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm theo quy định; (3) bố trí phương tiện, kinh phí tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ; (4) chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan yêu cầu người sử dụng lao động chấp hành các biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ theo quy định của pháp luật; (5) xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về lao động đối với người được bảo vệ.

+ Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm áp dụng các biện pháp bảo vệ việc làm đối với người được bảo vệ làm giúp việc gia đình, làm việc tại cơ sở, tổ chức được cấp phép hoạt động hoặc thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp xã.

+ Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc áp dụng các biện pháp bảo vệ việc làm đối với người được bảo vệ làm việc tại trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp phép hoạt động hoặc thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp huyện.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc bảo vệ việc làm đối với người được bảo vệ.

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc áp dụng các biện pháp bảo vệ việc làm đối với người được bảo vệ làm việc tại trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh khác được cấp phép hoạt động hoặc thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp tỉnh, ngành, Trung ương.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện bảo vệ việc làm đối với người được bảo vệ.

+ Người sử dụng lao động có trách nhiệm: (1) không được phân biệt đối xử về việc làm đối với người được bảo vệ; (2) không được trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm của người được bảo vệ; (3) thực hiện kịp thời, đầy đủ các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ; (4) báo cáo cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm và thông báo cho tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở về kết quả thực hiện biện pháp bảo vệ; (5) cơ quan chủ quản của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh; người sử dụng lao động chính đối với trường hợp người được bảo vệ làm việc tại chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền bảo vệ việc làm trong quá trình tiếp nhận, xác minh và áp dụng các biện pháp bảo vệ việc làm.

+ Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có trách nhiệm: (1) Giám sát người sử dụng lao động trong việc chấp hành các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ; (2) Trường hợp người sử dụng lao động không chấp hành biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tổ chức đại diện hợp pháp khác của người lao động tại cơ sở phải có ý kiến bằng văn bản với người sử dụng lao động, đồng thời báo cáo ngay sự việc với cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ và công đoàn cấp trên trực tiếp hoặc tổ chức đại diện hợp pháp cấp trên trực tiếp của người lao động (nếu có) để kịp thời xử lý và có biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ.

+ Liên đoàn lao động cấp huyện, cấp tỉnh có trách nhiệm: (1) Chỉ đạo Ban chấp hành công đoàn cơ sở giám sát người sử dụng lao động trong việc chấp hành các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ; (2) Giám sát cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ cùng cấp trong việc chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức việc áp dụng các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ; (3) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp yêu cầu người sử dụng lao động chấp hành các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

BTCD.





Các tin khác

Hỗ trợ trực tuyến
 ĐT : 0222 3875002
Fax : 0222 3874300
bantiepcongdanbacninh@gmail.com
Trao đổi - Góp ý
Liên kết